![]() |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam chia sẻ với báo Thời báo Kinh Doanh về con đường phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông có bình luận gì về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay? Đâu là giải pháp để phục hồi kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
- Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81% - mức thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Có thể thấy tính từ thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới kinh tế từ năm 1986, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ thấp đến như vậy.
Nói điều này để thấy rằng thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải là rất lớn. So với những cuộc khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra, cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam.
Đáng mừng là Việt Nam rất thành công trong chống dịch COVID-19 nhưng do nền kinh tế của mình rất mở, phụ thuộc vào xuất khẩu - cầu mua bán nước ngoài. Trong khi cầu thị trường không rõ ràng trong 6 tháng cuối năm. Điều này cho thấy trong 6 tháng cuối năm, các thách thức, khó khăn chắc chắn vẫn tiếp tục bủa vây nền kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh ở Mỹ, EU, Trung Quốc... Nếu thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn còn phải chờ.
Tuy nhiên, có một số điểm lạc quan so với những cuộc khủng khác từng xảy ra. Đó là một số cân đối vĩ mô tương đối ổn định như chỉ số lạm phát, thậm hụt ngân sách, tỷ giá hối đoái, lãi suất tương đối ổn định.... Vị thế của Việt Nam tốt hơn so với những cuộc khủng hoảng trước đây.
Đây là nền tảng để kinh tế Việt Nam phục hồi, nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách thể chế trong nước, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi.
Ông vừa nhắc tới cải cách thể chế, tuy nhiên thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp nhiều khó khăn do những quy định kinh doanh bất hợp lý?
- Doanh nghiệp còn khó khăn vì những thủ tục phiền hà tức là còn rào cản từ phía bộ máy hành chính. Tôi cho rằng đáng lẽ thời điểm này các bộ, ngành phải nhanh nhạy hơn trong việc đưa ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động một cách tốt nhất. Doanh nghiệp còn hoạt động, việc làm của người lao động còn được giữ.
Tuy nhiên, đáng tiếc vẫn có những quy định bất hợp lý khiến doanh nghiệp khó khăn như quy định mã số, mã vạch, người kinh doanh vận tải thay đổi biển số từ trắng sang vàng... Điều đó thể hiện sự chưa hỗ trợ doanh nghiệp thực sự.
Sự chậm chễ giải ngân vốn đầu tư công đã thể hiện rõ ràng sự trì trệ này. Đầu tư công được xem là phần chi tiêu của Chính phủ, kích thích nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn cho đến thời điểm hiện nay gây thất vọng, chỉ giải ngân được 30% trong tổng số vốn 700.000 nghìn tỷ đồng, bất chấp nỗ lực của Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương, ban dự án.
Điều này cho thấy, Chính phủ cần phải có biện pháp quyết liệt, phải có thiết chế đi kèm để yêu cầu bộ máy hành chính bên dưới nỗ lực hơn nữa, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta càng cần phải cố gắng.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm. Phát triển thị trường nội địa được xem là giải pháp "cứu cánh" doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, làm thế nào để thị trường nội địa trong nước có thể phát triển, qua đó đáp ứng kỳ vọng này?
- Nếu mong muốn của chúng ta là trông chờ vào thị trường nội địa để thay thế ngay lập tức thị trường ngoại là điều không tưởng. Bởi mong muốn là một chuyện, nhưng thực hiện một chuyện khác. Phát triển trong nước là điều kiện tiên quyết nhưng muốn thị trường trong nước thay đổi thị trường nước ngoài là câu chuyện phải có thời gian.
Đơn cử, dệt may mỗi năm xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, vậy thị trường trong nước có thể giúp ngành dệt may phát triển như vậy hay không. Điều này tương tự với ngành gỗ, thủy sản...
Bên cạnh đó, nội nhu phải được chống đỡ bằng thu nhập khả dụng của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay được các địa phương báo lên rất lớn, thu nhập bình quân của người lao động giảm so với trước đây. Vậy thử hỏi người dân lấy đâu ra nhiều tiền để mua sắm.
Vì vậy, Việt Nam phải có chiến lược nâng cao nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, một lần nữa tôi cho rằng chắc chắn chúng ta cần có thời gian để phát triển thị trường nội địa, ít nhất vẫn phải chờ 6 tháng, 12 tháng, thậm chí là 32 tháng tới để cải thiện điều này.
Đặc biệt, quay lại vấn đề ở trên chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tồn tại, giữ việc làm cho người lao động. Từ đó, người dân mới có tiền để gia tăng mua sắm trong nước.
Thưa ông, Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội cực kỳ lớn như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19?
- Tôi cho rằng cơ hội là rất rõ. Nhưng để nắm bắt được hay không lại là chuyện khác. Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuẩn bị. Muốn hiểu lợi thế của mình, doanh nghiệp cần phải hiểu được quy định trong EVFTA thế nào, mặt hàng của mình cần cải thiện ra sao để hưởng ưu đãi thuế quan, quy định về môi trường, lao động...
Có thể nói ngắn gọn muốn tham gia cuộc chơi thì phải được hiểu luật chơi, tuân thủ được luật chơi. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để thông tin cụ thể tới doanh nghiệp.
Đồng thời, hiệp hội phải hỗ trợ doanh nghiệp thành viên của mình để giúp doanh nghiệp tự nâng cao trình độ quản lý, phương thức sản xuất thay đổi, tuân thủ được các quy định mà phía thị trường EU yêu cầu.
Mỗi doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa để nhìn ra cơ hội mà mình có, chứ đừng quá trông chờ quá vào Nhà nước.
Lê Thúy (thực hiện)