Dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng quê hương Cam Lộ thành vùng quê đáng sống là huyện xác định được “Xây dựng nông thôn mới (NTM) phải xem tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; tam nông là chiến lược; NTM là căn bản; nông dân là chủ thể”. Khi làm tốt được các vấn đề này, đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân sẽ được nâng lên.
Sức lan tỏa của "điểm sáng" Cam Nghĩa
Là xã điểm được chọn trong quá trình xây dựng NTM của huyện, Cam Nghĩa chú trọng phát triển nghề truyền thống nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Làng nghề trồng và nấu cao dược liệu Định Sơn chuyên chế biến các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô… Tuy nhiên, khó khăn trong đầu tư theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu khiến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.
Trước thực trạng đó, HTX Cao dược liệu làng nghề Định Sơn đã được thành lập vào năm 2016. Thay vì nấu cao bằng củi, HTX chuyển sang nấu cao bằng nồi điện. Thời gian từ khi bắt đầu nấu đến khi cho ra thành phẩm là khoảng 12 giờ với sản lượng từ 15-17kg cao.
Theo tính toán của HTX, chi phí cho việc nấu cao bằng điện tương đương với nấu bằng củi rừng nhưng nấu bằng điện có nhiều ưu điểm hơn đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giải phóng được sức lao động, thời gian nấu nhanh hơn, lại giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường…
![]() |
Khâu đóng gói cao được liệu tại HTX Định Sơn. |
Đến nay, tất cả các sản phẩm của HTX đều đã xây dựng thương hiệu tập thể. Sau khi được công nhận thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ độc quyền và được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng, từ đó hạn chế được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Việc HTX Định Sơn đi vào hoạt động không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn hỗ trợ làng nghề phát triển. Theo ước tính, mỗi năm làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô… với sản lượng trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi/năm.
Theo đánh giá của đại diện UBND, HTX Cao dược liệu làng nghề Định Sơn đang là một trong những thành phần kinh tế quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng NTM thành công tại địa phương. Đến năm 2017, xã Cam Nghĩa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM vào năm 2018. Ngay sau đó, xã bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, trong đó mô hình HTX vẫn được coi là nền tảng trong phát triển kinh tế xã hội. Nắm bắt được điều này, HTX Định Sơn đã tích cực sản xuất, đặc biệt là đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Hiện, xã Cam Nghĩa đã xây dựng thôn Quật Xá đạt chuẩn thôn kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 53 triệu đồng vào đầu năm 2019 và dự định sẽ đạt 60 triệu đồng vào năm 2020 nhờ đẩy mạnh phát triển cây tiêu theo hướng hàng hóa.
Hướng đến miền quê văn minh, hiện đại
Là một huyện vùng gò đồi có diện tích đất đỏ bazan rộng, Cam Lộ có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây dược liệu phục vụ chế biến. Tận dụng điều đó, không chỉ xã Cam Nghĩa mà các xã còn lại của huyện đã chú trọng sản xuất đi đôi với chế biến các loại nông sản đặc trưng. Tiêu biểu như xã Cam Thành phát triển vùng cây dâu tằm phục vụ chế biến rượu, xã Cam Tuyền tập trung sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cà gai leo…
Hiện, một số HTX, cơ sở chế biến đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ thêm vốn để đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu và tăng cường quảng bá sản phẩm, nên các cơ sở, HTX sản xuất và chế biến dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đây là điều kiện giúp huyện xây dựng được các cánh đồng lớn như: hơn 4.000 ha cao su, 422 ha hồ tiêu, 800 ha lạc, 1.700 ha lúa, hơn 100 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng trồng…
![]() |
Trồng dâu kết hợp chế biến là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của người dân xã Cam Thành. |
Sau 10 năm triển khai, tháng 7/2020, huyện Cam Lộ đã được công nhận và là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người từ 26 triệu đồng/năm lúc mới xây dựng chương trình lên gần 50 triệu đồng/năm (vào cuối năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%; hơn 94% tỷ lệ người dân hài lòng với chương trình xây dựng NTM.
Mục tiêu của huyện là tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM, đưa Cam Lộ thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Quá trình này nhằm đưa trình độ phát triển kinh tế đạt mức khá của tỉnh, tốc độ tăng trưởng cao về công nghiệp, dịch vụ, nhiều sản phẩm nông sản chế biến có thương hiệu và có giá trị gia tăng cao, chất lượng cuộc sống người dân, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện thêm một bước.
Không dừng lại ở đó, Cam Lộ còn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 sẽ trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng đô thị, phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, tạo nên những miền quê xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Huyền Trang