Trong những năm qua, nhờ các ngành chức năng và tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường nên người dân trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện Đăk Hà ngày càng có nhận thức đúng đắn hơn về việc sản xuất, sinh hoạt an toàn với môi trường.
Thay đổi ý thức
Nếu như trước đây, với tâm lý “ăn chắc, mặc bền” và làm ăn nhỏ lẻ, lấy cái lợi trước mắt, người dân Đăk Hà thường lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí phun thuốc khi cây trồng chưa có bệnh. Đặc biệt, thói quen sử dụng thuốc trừ cỏ không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe con người, vật nuôi là còn làm đất suy thoái, môi trường bị tàn phá nặng nề.
Nhưng hiện nay, người dân đã có suy nghĩ khác và thực hiện phương châm phòng ngừa là chính. Trong sản xuất, người dân luôn tiến hành các bước làm đất kỹ càng, bón vôi để tiêu diệt bớt các mầm bệnh trong đất, luân canh các loại cây trồng khác nhau, chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn.
![]() |
Đăk Hà ngày càng sạch đẹp |
Khi phải sử dụng thuốc, mọi người thường tham khảo ý kiến của các hộ dân có kinh nghiệm, cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật và thực hiện việc sử dụng đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian.
Vì thế, 5 năm trở lại đây, việc sản xuất nông nghiệp của của người dân đã hiệu quả và an toàn với môi trường xung quanh hơn. Tình trạng người dân sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật rồi vứt bừa bãi chai lọ ra đồng ruộng thì nay qua tuyên truyền, xây dựng các bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật , người dân Đăk Hà đã dần hiểu về tác hại của ô nhiễm nguồn nước, đất đai…
Nâng cao hiệu quả
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hành động của các hộ dân, huyện còn chú trọng nâng cao tinh thần tập thể, phát huy sức mạnh đồng bộ để mang lại hiệu quả lớn hơn.
Từ đó, một số mô hình tự quản về bảo vệ môi trường được hình thành và hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đăk Hà đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng môi trường sống xanh, sạch đẹp; trong đó, Tổ hợp tác (THT) thu gom rác thải môi trường thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk thành lập năm 2014.
Nếu như trước kia, các kênh nước, suối, ven đường… thường là nơi tập kết rác của nhiều hộ dân, gây hôi thối khó chịu và nhếch nhác. Tuy nhiên, sau một thời gian THT thu gom rác thải đi vào hoạt động, dần dần người dân đã có thói quen cứ cuối tuần là thu gom toàn bộ rác thải trong sinh hoạt gia đình để đúng nơi quy định. Bây giờ, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh đã giảm đi rất nhiều, lòng suối bây giờ cũng rất sạch sẽ.
Những ngày đầu hoạt động, việc thu gom rác thải của THT gặp không ít khó khăn, để vượt qua những điều đó, THT vừa tăng thời gian thu gom, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung.
![]() |
Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao |
Chỉ sau một thời gian ngắn, ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân đã có chuyển biến tích cực. THT đã mở rộng địa bàn thu gom rác sang các thôn Thanh Xuân, Đăk Lợi, Đăk Lộc và Đoàn Kết. Người dân hiện nay cũng đã phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình mang ra điểm tập kết để THT đến thu gom. Nhờ vậy, từng con đường nhỏ qua các thôn nói trên dường như được sạch sẽ, gọn gàng, nhất là tại khu vực ngã ba, ngã tư, khu vực đông dân cư đã không còn cảnh bỏ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm như trước đây.
Để duy trì hoạt động THT đã làm tốt công tác thu phí thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày. Song song đó, HTX cùng chính quyền các các hội đoàn thể tích cực hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa khu vực nhà ở. THT còn thường xuyên vận động người dân thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước và trồng cây xanh ở khu vực công cộng…
Với những đóng góp không hề nhỏ, mô hình hoạt động của THT đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và chính quyền. Mô hình bảo vệ môi trường do THT Đăk Tin làm chủ đang được một số địa phương học tập và nhân rộng.
Như Yến