HTX 6-12 tiền thân là tổ hợp tác với 10 người tham gia nhận đất giao khoán bảo vệ rừng, sau đó nhận đất trồng rừng. Đến nay, HTX đã có 70ha trồng quế và Bồ Đề, 5ha tre Bát Độ, 3ha chè Bát Tiên.
Diện tích rừng trồng mới với một màu xanh bạt ngàn là minh chứng cho sự kiên trì và tình yêu với mảnh đất quê hương của tất cả thành viên HTX 6-12 và người lao động.
Phủ xanh đất trống
Hiện nay, HTX không chỉ trồng các cây lâu năm như quế, chè Bát Tiên, măng tre Bát Độ, Bồ Đề… mà còn kết hợp trồng gừng, sắn để tăng thu nhập và tận dụng được nguồn đất rừng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc HTX, cho biết: Lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương. Trồng rừng và khai thác rừng hiệu quả không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho mọi người, mà còn giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên. Môi trường thiên nhiên phát triển thì con người mới sống được.
Để tạo thuận lợi trong quá trình trồng rừng, HTX đã xin ý kiến của các ban ngành, tiến hành quy hoạch diện tích đất để trồng rừng. Các thành viên và người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng. Ban Quản trị HTX tổ chức hướng dẫn các thành viên, người dân mua cây giống, cách kiểm tra chất lượng cây giống, bảo đảm cây giống đạt chất lượng cao trước khi trồng.
HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thành viên và người dân vay vốn hoặc hướng dẫn họ cách làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua cây giống, phân bón… phục vụ trồng và chăm sóc rừng.
Hoạt động bán quế vỏ, tinh dầu quế tận thu từ cành và lá quế tỉa thưa, bán gừng củ, sắn tươi, chè Bát Tiên đem lại nguồn thu lớn cho HTX. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, trung bình mỗi thành viên có thu nhập 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm cho 17 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/ người/tháng.
Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi cuộc sống của các hộ thành viên và người dân. Nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nghề rừng đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo, mũi nhọn của HTX cũng như nhiều hộ gia đình tại xã Đào Thịnh, khi đất rừng liên tục được phủ xanh, vừa chống sạt lở, xói mòn khi mùa mưa đến, vừa bảo vệ được thảm thực vật.
![]() |
Vườn ươm quế giống của HTX
Tích cực đầu tư
Không chỉ tập trung vào vấn đề trồng rừng, HTX còn mở rộng thêm ngành chế biến tinh dầu quế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên và người lao động.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu lá quế của địa phương và các xã lân cận rất dồi dào, được sự tư vấn, hỗ trợ vốn, công nghệ của Liên minh HTX tỉnh, Hội đồng Quản trị HTX đã mạnh dạn đầu tư 7 tỷ đồng (chưa kể vốn lưu động) xây dựng nhà xưởng tinh chế tinh dầu quế có công suất 18 tấn nguyên liệu/ngày, với dây chuyền công nghệ hiện đại. Hiện, nhà máy có sản lượng 20 tấn, doanh thu đạt 10,4 tỷ đồng.
HTX còn làm mới và mở rộng con đường để thuận tiện cho việc vận chuyển, khai thác cây giống và sản phẩm gỗ, đủ sức cho xe ô tô vào trang trại.
“Để phát triển lâu dài, Ban Quản trị HTX đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng bộ phận, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm. HTX cũng tiến hành tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, bộ phận. Điều này đã tạo động lực cho các thành viên sản xuất, kinh doanh”, Giám đốc HTX cho biết.
HTX không ngừng phân tích, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX tiến hành liên kết với HTX Nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (Văn Yên) và công ty An Thịnh Cường Phát (Văn Yên)... cùng góp vốn và phát triển chuỗi sản phẩm tinh dầu quế.
Sự liên kết này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX, đồng thời hỗ trợ người dân trên địa bàn tận thu các sản phẩm của cây quế. Trung bình mỗi năm, HTX đã tổ chức thu mua 3.000 tấn cành, lá quế tận thu cho hàng ngàn hộ trồng quế tại xã Đào Thịnh và các xã lân cận.
Như Yến