Thị xã Ngã Năm là vùng trũng thấp nhất của tỉnh Sóc Trăng, khả năng thoát nước kém, tình trạng úng ngập thường xuyên và kéo dài trong mùa mưa, thiếu nước ngọt do sự xâm mặn vào mùa khô và bị nhiễm phèn vào đầu mùa mưa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Trước thực trạng đó, địa phương đã xác định ưu tiên đầu tư mô hình trồng mãng cầu gai ghép trên gốc bình bát bởi tính hiệu quả của mô hình.
Thích ứng với điều kiện khắc nghiệt
Với kế hoạch phát triển mãng cầu gai của thị xã Ngã Năm, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và địa phương đã tích cực cùng nông dân tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, ghép giống, xây dựng mô hình để mở rộng diện tích.
![]() |
Vườn mãng cầu gai ghép gốc bình bát của ông Vui (Ảnh IT) |
Đến nay, địa phương đã thành lập 2 tổ chức kinh tế hợp tác sản xuất mãng cầu gai theo tiêu chuẩn VietGAP là Tổ hợp tác Mãng cầu gai Kiên Hòa (62 thành viên, 29,8 ha) và HTX Nông nghiệp Mãng cầu gai (29 thành viên, 14 ha). Trong đó, mô hình trồng mãng cầu gai của HTX Nông nghiệp Mãng cầu gai đã và đang hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, khâu sản xuất trái mãng cầu, khâu thu gom trái, khâu chế biến cho đến khâu thương mại sản phẩm và tiêu dùng.
Theo các thành viên HTX, mãng cầu gai là cây trồng thích ứng với điều kiện phèn, mặn, úng cho năng suất cao so với các loại cây trồng khác, tạo thu nhập cải thiện đời sống nông dân. Khi trồng cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát lại càng thích ứng mạnh mẽ với vùng đất trũng, nhiễm phèn như Vĩnh Quới.
Ngay cả khi đất bị khô hạn, xâm nhập mặn, cây vẫn phát triển tươi tốt. Cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát dễ chăm sóc, cho trái nhiều, ra trái quanh năm, trồng khoảng hơn 2 năm là thu hoạch, cây thường sống bền bỉ đến vài chục năm.
Ông Lê Văn Vui, Giám đốc HTX chính người đi đầu trong phong trào trồng cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát tại địa phương. Nhờ trồng cây mãng cầu mà kinh tế gia đình ông khá hơn trước nhiều.
Đến nay, gia đình ông Vui đã có hơn 2 ha mãng cầu gai ghép với gốc bình bát, mỗi năm thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Lúc mới trồng, thu nhập ít lắm, chỉ vài chục triệu đồng/năm. Những năm gần đây, gia đình tôi thu nhập từ cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát khá hơn nhiều, tăng gần 600 triệu đồng/năm”, ông Vui chia sẻ.
Nguồn thu nhập liên tục
Hiện nay, diện tích trồng mãng cầu gai của HTX là 14 ha, trong đó có 8,56 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mãng cầu của HTX được sơ chế, chế biến thành các sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, trà mãng cầu, mứt… tạo việc làm ổn định cho hàng chục thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Sản phẩm trà mãng cầu gai của HTX (Ảnh IT) |
Từ hiệu quả cao của cây mãng cầu gai trên vùng đất hạn, mặn, nhiều nhà vườn đã phá bỏ vườn tạp, những loại cây trồng kém hiệu quả, mạnh dạn đầu tư trồng mới, phát triển diện tích vườn cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát. Cách bà con khai thác “vòng quay” của đất, bảo đảm có thu nhập liên tục, tương đối ổn định là lúc đầu trồng mãng cầu xen với các loại cây trồng khác, rồi “lấy ngắn nuôi dài”.
Một điểm thuận lợi cho những người trồng mãng cầu gai là thị trường tiêu thụ loại quả này tương đối rộng lớn, khá ổn định. Nhiều lúc hút hàng, thương lái các nơi tìm đến tận vườn để thu mua với giá cao. Hiện nay, giá mãng cầu gai dao động ở mức từ 18.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ nông dân trồng mãng cầu gai ở thị xã Ngã Năm đã vươn lên khá – giàu.
Từ hiệu quả kinh tế và môi trường của mô hình trồng mãng cầu gai, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới cho biết xã sẽ vận động, tuyên truyền để bà con nông dân vào HTX. Sau khi vào HTX, bà con sẽ có nhiều thuận lợi như được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cung cách làm ăn; được vay vốn từ các ngân hàng; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có đầu ra ổn định…, từ đó tiến tới nhân rộng mô hình.
Khánh Toàn