Tại Hội thảo “Chăn nuôi bò thịt và sử dụng, chế biến phụ phẩm nông nghiệp” tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản của Hà Nội đến thời điểm tháng 8/2020 là 130.000 con, tập trung tại 39 xã. Trong đó, đã có 92 trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Cơ cấu giống bò thịt trong chăn nuôi tại Hà Nội đã đa dạng với nhiều giống bò chất lượng cao: 65% bò lai Zebu, gần 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmasster, Wagyu, BBB….). Đàn bò của Hà Nội được phát triển công tác giống theo 3 nhóm chiến lược: Chuyên thịt (F1, F2, BBB), chuyên thịt chất lượng cao (F1 Wagyu), kiêm dụng (lai Brahaman, Chalorais, Angus…).
![]() |
Chăn nuôi bò thịt cao sản được xác định là hướng đi có hiệu quả, bền vững và ổn định ở ngoại thành Hà Nội (Ảnh: Internet) |
Ông Sơn nhận định, về mặt tích cực, người chăn nuôi bò thịt đã chủ động được nguồn giống cung cấp cho chăn nuôi thương phẩm của Thành phố, tạo ra nguồn giống chất lượng cao, năng suất. Hiện nay, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%. Tổng số bê sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 60.000 con. Thông qua công tác lai tạo giống vật nuôi của Hà Nội đã nâng cao chất lượng, hạn chế dịch bệnh, dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi bò thịt Hà Nội. Đó là chưa tạo thành vùng chăn nuôi bò thịt công nghệ cao, nguyên nhân do sản xuất giống bò thịt chất lượng cao nên chủ yếu cung cấp ra các tỉnh lân cận. Do giá thành bê giống cao, bán được giá nên các hộ chăn nuôi bò khi sinh ra bê bán ngay cho các tỉnh nên dẫn đến thiếu hụt đàn bò cái nền sản xuất ra giống bò thịt chất lượng cao. Mặt khác, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi bò thịt còn hạn chế nên dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò vào vụ đông. Một số địa phương do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, đa phần nhỏ lẻ, chưa tiếp cận, nhận thức rõ lợi ích cải tạo, nâng cao giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà vẫn áp dụng phương thức phối giống dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao.
TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, chăn nuôi lợn nông hộ có tỷ lệ tái đàn rất thấp, vì vậy, bò thịt có thể là một trong những phương thức sinh kế quan trọng cho người chăn nuôi nhỏ lẻ. Chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam đang ở mức thấp với thế giới và châu Á, Đông Nam Á. Mỗi năm, tính ra, trung bình mỗi người Việt Nam hiện chỉ có 3,3kg thịt bò. Hà Nội hiện cũng mới tự cung cấp được trên 20% sản lượng thịt bò cho người dân của Thành phố.
Việt Nam không có lợi thế đồng cỏ trong chăn nuôi bò thịt nhưng là nước nhiệt đới có khối thực vật xanh lớn, bởi mỗi năm sản xuất ra 45-47 triệu tấn thóc thì chúng ta có lượng rơm như vậy. Nếu biết sử dụng cho chăn nuôi bò thịt và chế biến thức ăn thô xanh thì sẽ là một hướng mới, mang lại giá trị kinh tế. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 74.000 tấn rơm rủ chua sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tìm hướng đi hiệu quả, bền vững
“Hà Nội là địa phương tiên phong đưa giống mới vào sản xuất, điển hình là giống bò BBB được triển khai rất thành công và đã lan tỏa sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, dù chất lượng giống tốt thế nào thì việc vỗ béo bò cấp thiết. Đối với bò F1BBB do lượng cơ gấp đôi so với bò bình thường, nên đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng protein thô cao ở mức 13-16% là phù hợp nhất”, ông Chinh khuyến cáo.
Theo ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, do dịch tả châu Phi nên đàn lợn giảm sút, song Thành phố đã khuyến khích cho nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu bò thịt. Đàn bò thịt đã tăng bình quân 5%/năm. Chăn nuôi bò thịt cao sản, chất lượng thịt tốt là hướng đi có hiệu quả, bền vững và ổn định ở ngoại thành Hà Nội.
Tuy nhiên, diện tích trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn xanh cho trâu, bò ở ngoại thành không nhiều. Về mùa đông, cỏ tự nhiên khan hiếm, nên trâu bò không được cung ứng đủ thức ăn xanh. Trong bối cảnh đó, khối lượng rơm, rạ sau 3 vụ lúa ở ngoại thành lên tới 500.000 - 600.000 tấn, hiện tại chưa được sử dụng nhiều sau vụ gặt nông dân đốt rơm rạ trên đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường… Bởi vậy, cần phải thúc đẩy chế biến rơm rạ làm thức ăn cho bò.
“Một số hộ chăn nuôi giỏi, nuôi từ 80 - 100 bò thịt cao sản/năm đã tận dụng và chế biến rơm rạ với phương pháp phơi cuộn thành bánh hoặc ủ ure nuôi bò thịt. Việc sử dụng rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm chế biến thành thức ăn cho trâu, bò thịt vừa giải quyết được nguồn thức ăn nuôi bò, tiết kiệm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm bớt rơm rạ sau vụ gặt, đỡ ô nhiễm môi trường”, ông Khải nói.
TS Tăng Xuân Lưu - Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì cho rằng, Hà Nội nên đi theo con đường phát triển đàn bò thịt chất lượng và làm giống. Có 4 việc mà ngành chăn nuôi bò thịt của Hà Nội cần phải làm. Một là, muốn có đàn bò chất lượng thì phải tiếp tục cải tạo đàn bò cái nền. Hai là, phải xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội thông qua tuyên truyền. Thứ ba, Hà Nội phải làm thành công cuộc “cách mạng” chế biến thức ăn từ rơm rạ, cỏ khô, lúc đó dù người nông dân không cần có ruộng vẫn hoàn toàn nuôi được bò thịt. Bốn là, ngành thú y phải sát sao theo dõi diễn biến dịch bệnh trong chăn nuôi, giúp nông dân nuôi bò phòng chống được dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục cải tạo, duy trì đàn bò cái nền, hạn chế tình trạng người dân bán bò sinh sản sang các tỉnh lân cận, khiến đàn bò không tăng được. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đến 90% tổng đàn, trong đó lai tạo giống bò cao sản chiếm 45%; kết hợp với giám định, bình tuyển bò thịt chất lượng cao hằng năm để nâng cao năng suất, chất lượng thịt. Thành phố sẽ chú trọng hình thành các vùng chuyên canh cho chăn nuôi bò thịt và ứng dụng công nghệ trong chế biến thức ăn, hướng tới sản xuất thức ăn hỗn hợp. Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ chú trọng vấn đề đề xử lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh.
Chu Khôi