Huyện Tiên Yên có hơn 5.000 ha bãi triều, trong đó có khoảng 2.000 ha rừng ngập mặn được đánh giá là đa dạng sinh học nhất, nhì miền Bắc với hệ thống động thực vật khá trù phú. Nhờ những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên mà nghề đi biển của bà con nơi đây phát triển. Nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền của ngư dân ngày càng tăng.
Góp phần vào sự thay đổi quê hương
Tận dụng những thế mạnh này, lãnh đạo HTX Tàu thuyền Vững Tiến đã mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của bà con trong vùng. Mục tiêu năm 2020, HTX mở rộng thêm 1 khu nhà xưởng, 1 khu nhà để công nhân có chỗ ở. Mỗi tháng, HTX sẽ đóng được 50 mủng câu ven bờ; 2-3 chiếc tàu, thuyền kích thước dài 10-15m.
![]() |
Từ cuối năm 2019 đến nay, HTX Tàu thuyền Vững Tiến đã đóng được 5 chiếc tàu, thuyền (Ảnh: TL) |
Hiện, HTX đã gặt hái được thành công trong lĩnh vực sửa chữa và đóng những tàu, thuyền nhỏ. Về lâu dài, HTX tiếp tục học hỏi các kỹ thuật đóng tàu lớn phục vụ nhu cầu vươn khơi, bám biển của bà con.
Anh Phạm Văn Vững, Giám đốc HTX Tàu thuyền Vững Tiến (sinh năm 1986) chia sẻ: "Tiền thân của HTX là một cơ sở đóng tàu quy mô hộ gia đình. Ban đầu, tôi chỉ làm mủng, bọc phủ vỏ gỗ bằng vật liệu nhựa composite. Lúc đó, tôi cũng mới chỉ thuê có 4 công nhân làm việc cho mình, lãi năm đầu được 70 triệu đồng".
Được biết, trước khi đến với nghề đóng tàu và mở HTX, từ nhỏ anh Vững đã cùng bố mẹ đi biển đánh bắt hải sản. Học hết phổ thông, anh đi làm thuê lĩnh vực cơ khí. Rồi tiếp đó vừa làm, vừa tự học sửa chữa, đóng tàu thuyền. Anh Vững đi từ Nam ra Bắc, cứ chỗ nào có xưởng sửa chữa tàu thuyền lớn là đến học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Năm 2018, anh Vững quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, thành lập HTX Tàu thuyền Vững Tiến. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho thuê 3.400m2 đất để làm nhà xưởng, HTX đã tuyển dụng thêm lao động, đầu tư vốn để mở rộng sản xuất.
![]() |
Anh Vững (bên trái) đang kiểm tra chiếc thuyền do công nhân vừa đóng |
Từ cuối năm 2019 đến nay, HTX Tàu thuyền Vững Tiến đã đóng được 5 chiếc tàu, thuyền. Bên cạnh việc đóng, sửa chữa tàu thuyền, HTX còn bán, cung cấp phụ tùng thiết bị, máy móc...
Bí thư Huyện Đoàn Tiên Yên Hoàng Việt Tùng nhận xét về anh Phạm Văn Vững: "Tấm gương của anh Vững đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ ở nơi đây noi theo. Bằng nỗ lực vượt khó và lòng yêu nghề, anh Phạm Văn Vững đã khởi nghiệp thành công ngay trên mảnh đất quê hương mình. Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Vững đã khẳng định mình trong ngành sản xuất, kinh doanh đóng tàu biển, góp phần vào sự đổi thay của quê hương, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương".
Đảm bảo an toàn lao động
Doanh thu trung bình mỗi tháng của HTX Tàu thuyền Vững Tiến đạt từ 250-300 triệu đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 14-15 công nhân tại địa phương với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Vững chia sẻ: Nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền rất vất vả, nặng nhọc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, công nhân tay nghề cao. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình làm việc cũng có thể đe dọa tính mạng của những ngư dân trên biển, thậm chí của công nhân đóng tàu.
Chính vì vậy, yếu tố an toàn lao động được HTX Tàu thuyền Vững Tiến đặt lên hàng đầu. Trong quá trình sản xuất, công nhân tại HTX được trang bị các thiết bị bảo hộ kỹ càng. Qúa trình tiếp xúc với các dụng cụ như máy hàn, cắt... đều phải cẩn trọng, tỉ mỉ.
Những ngày hè nắng nóng, người thợ hàn của HTX phải hàn trong tất cả các tư thế, từ ngửa thẳng mặt lên đến gập người sát xuống những tấm tôn. Khói hàn CO2 và nhiều loại khí độc hại nồng nặc..., vì vậy nếu không có tận tâm, đam mê yêu nghề thì sẽ không theo được.
Thấu hiểu những khó khăn của công nhân trong xưởng, lãnh đạo HTX luôn động viên kịp thời, chăm lo đời sống anh em, thường xuyên phổ biến các kiến thức mới, biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động.
Chính nhờ cái tâm và sự nhiệt huyết của toàn thể thành viên, đến nay, HTX Tàu thuyền Vững Tiến đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con ngư dân trong vùng.
Thanh Vân