Anh Hoàng Trung Chinh – Bí thư Huyện đoàn cho biết toàn huyện Lục Yên có trên 18 nghìn đoàn viên, thanh niên thì có đến gần 200 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 80%, tạo việc làm ổn định cho trên 250 thanh niên.
Khởi nghiệp từ vốn vay
Hầu hết các mô hình đều có vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120). Thông qua nguồn vốn này, nhiều mô hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh của đoàn viên thanh niên có cơ hội mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động trẻ ở địa phương.
![]() |
Tuyến đường tại xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên do thanh niên góp công xây dựng (Ảnh: Tư liệu) |
Điển hình như: Trang trại tổng hợp của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu, thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế; trang trại 10 ha quế của đoàn viên Đặng Văn Thanh ở thôn Vàn 1 xã Phúc Lợi; HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn, xã Liễu Đô của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng; nhà hàng Công viên của đoàn viên Bùi Thế Viên, tổ 17, thị trấn Yên Thế; trang trại của Đoàn viên Tống Văn Hữu ở thôn Làng Già, xã Yên Thắng; mô hình tổng hợp VAC của đoàn viên Nguyễn Chí Châu ở thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng; HTX Thanh niên Lục Yên của Nguyễn Hải Chiều, xã Lâm Thượng… cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế được biết, năm 2013 với 300 triệu đồng được vay từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, Hiếu đầu tư xây dựng tường rào bao quanh khu đất của gia đình với diện tích 2ha, mua giống lợn rừng, hươu sao, gà vịt, ngan về nuôi để thực hiện ý tưởng trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Hiện nay, trang trại thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 700 con, trong đó có trên 300 con gà thiến, trên 100 con gà đẻ, còn lại là gà thịt. Vịt được nuôi theo thời vụ, có những vụ thị trường tiêu thụ tốt, anh tăng đàn lên tới 300 con/lứa. Đàn lợn rừng trên 100 con mỗi con khoảng 15 kg mà đã nuôi gần 1 năm nên thịt ngon như lợn rừng, giá xuất chuồng từ 130 - 150 nghìn đồng/kg.
![]() |
Mô hình chăn nuôi tổng hợp mỗi năm cho thu nhập 500 triệu đồng của HTX Minh Sơn (Ảnh: TL) |
Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán được khoảng trên 60 con lợn, tổng thu một năm với các sản phẩm chăn nuôi bình quân từ 250 - 300 triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp Hoàng Trung Hiếu trả hết số vốn vay 300 triệu đồng cho Ngân hàng CSXH, mà còn có vốn tiếp tục đầu tư đào đắp khu ruộng lầy gần 2ha thành ao để nuôi cá và mở rộng chăn nuôi thêm ngan, vịt.
Anh Hiếu cho biết: “Có được thành công như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn và Ngân hàng CSXH cho tôi vay vốn nên bản thân đã vượt qua khó khăn ban đầu, là động lực để phát triển mở rộng sản xuất”.
Tiền đề xây dựng NTM
Cũng tận dụng hiệu quả đồng vốn 120, đoàn viên Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn đã mở xưởng mộc dân dụng và trại chăn nuôi gà. Sau 3 năm hoạt động, anh Mừng đã trả xong 60 triệu đồng vốn vay ban đầu, rồi phát triển mô hình thành HTX cung cấp dịch vụ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình. Hiện nay, vốn điều lệ của HTX đã đạt 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương.
Việc phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả đã tạo cơ sở để tuổi trẻ Lục Yên tổ chức thực hiện 20 công trình phần việc cấp huyện, 1.200 công trình phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá làm lợi trên 6,5 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Sửa chữa 50,4 km đường giao thông; nạo vét trên 30 km kênh mương nội đồng; thực hiện 40 km đoạn đường thắp sáng đường quê; vận động xây dựng 1 nhà văn hóa thôn; đóng góp xây dựng 4 lớp học, 2 công trình nước sạch; xây dựng 3 cầu dân sinh tại xã Trúc Lâu, Mai Sơn, Minh Xuân; bê tông hóa 64 sân chơi cho thanh thiếu nhi với tổng diện tích trên 12.000 m2; xây 15 lò đốt rác và 45 bể chứa rác thải tập trung...
Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới của huyện Lục Yên ngày càng đổi thay. Đến nay, trong tổng số 23 xã đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn huyện đạt 11,65 tiêu chí/xã; còn 10 xã đạt dưới 10 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, hết năm 2018 chỉ còn 5.341 hộ nghèo, bằng 18,76%; thu nhập bình quân đầu người từ 12,2 triệu đồng năm 2010 lên 28,28 triệu đồng năm 2018.
Thu Huyền