Những chương trình khuyến mãi do các ngân hàng triển khai đã và đang góp phần hâm nóng thị trường huy động, cho khách hàng nhiều lựa chọn cũng như thêm nhiều giá trị lợi ích gia tăng.
Dù quen vẫn hấp dẫn
Theo Havard Business Review, các nghiên cứu cho thấy dù ở bất cứ ngành nghề nào, chỉ cần số lượng khách hàng trung thành tăng lên 5% cũng làm tăng lợi nhuận 25 – 95%. Như vậy, làm sao để hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại yêu thích và gắn bó chính là chìa khóa giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng.
Thống kê cho thấy, các chương trình khuyến mãi và ưu đãi chiếm 80% nội dung quảng bá trên website, fanpage của nhà băng hiện nay. Tùy theo từng loại sản phẩm và đối tượng khách hàng muốn hướng tới, các ngân hàng đưa ra hình thức khuyến mãi và ưu đãi về lãi suất, quà tặng rất đa dạng. Nhiều nhà băng cũng “tung chiêu” bằng những sản phẩm liên kết hay khuyến mãi khá lạ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ, chỉ cần dừng các chương trình khuyến mãi thì ngay lập tức, nguồn vốn huy động của nhà băng trong tháng sẽ sụt giảm. Đó chính là lý do vì sao các ngân hàng liên tục có chương trình khuyến mãi “gối đầu”.
Thực tế cho thấy, các “chiêu” khuyến mãi của nhà băng mặc dù được sử dụng thường xuyên nhưng vẫn phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt và thu hút nhiều khách hàng tham gia, bởi đây là hoạt động mang lại lợi ích ngay lập tức cho cả ngân hàng và khách hàng.
Đáng lưu ý, mặt bằng lãi suất huy động giữa các ngân hàng hiện nay tương đối đồng đều, khuyến mãi hoặc những ưu đãi kèm theo là một trong những cách thức để nhà băng “lấy thiện cảm” với khách. Mặt khác, nhìn từ phía người gửi tiền, không chỉ lãi suất mà các chương trình khuyến mãi cũng đang dần trở thành yếu tố chính khi quyết định lựa chọn nhà băng.
Chị Nguyễn Hồng Anh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Khi gửi tiền, tôi luôn tìm hiểu các dịch vụ và tiện ích kèm theo cùng chương trình khuyến mãi mà các ngân hàng đưa ra như: quà tặng, tham gia quay số dự thưởng hay tặng thêm lãi suất khi gửi”.
Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng sử dụng khuyến mãi để “hút” tiền gửi là phương pháp truyền thống nhưng lại huy động vốn hiệu quả, tận dụng tiền nhàn rỗi của người dân. Bên cạnh đó, khách hàng cũng được hưởng lợi bởi không chỉ nhận lãi suất cao hơn mà còn nhận nhiều quà tặng, ưu đãi.
Không chỉ tung khuyến mãi để hút tiền gửi, các ngân hàng còn sử dụng kênh này để gia tăng khách hàng sử dụng dịch vụ.
![]() |
Nhiều ngân hàng chịu chi hàng tỷ đồng cho các chương trình khuyến mãi |
Nhiều giá trị lợi ích
Gần đây, hàng loạt nhà băng dồn dập đưa ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng khi thanh toán trên ứng dụng của ngân hàng như: quét mã QR, quẹt thẻ, thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Chị Mai Phương (Hà Nội) chia sẻ, trước đây khi chi tiêu các khoản tiêu dùng trong gia đình, chị vẫn quen trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, thói quen này đã dần thay đổi nhờ các ngân hàng đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi giúp khách hàng có lợi hơn khi thanh toán bằng QP Pay, quẹt thẻ.
“Thanh toán tiền học phí ở trung tâm tiếng Anh cho con nếu trả bằng tiền mặt lên đến 15 triệu đồng, nhưng quét mã QP Pay sẽ được giảm 15%”, chị Phương cho biết.
Theo chị Phương, nếu khéo tận dụng các ưu đãi, người dùng tiết kiệm được một khoản không nhỏ so với dùng tiền mặt.
Như vậy, bằng cách đưa ra nhiều giá trị lợi ích thấy ngay qua các chương trình khuyến mãi, kết hợp với việc không ngừng sáng tạo xây dựng những sản phẩm dịch vụ hiện đại tiện ích, các ngân hàng vẫn đang là kênh thu hút vốn được tin cậy lựa chọn và phát huy tốt vai trò điều tiết luân chuyển nguồn vốn trong xã hội, thúc đẩy tái sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng thương mại trong mọi ngành nghề.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, dù có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà thiếu đi dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt thì cũng khó “giữ chân” khách hàng.
Một chuyên gia nhấn mạnh, phần lớn nguyên nhân khách hàng quyết định rời bỏ ngân hàng là do những trải nghiệm xấu với dịch vụ chăm sóc khách hàng, đặc biệt là từ các nhân viên tại quầy giao dịch. Trong thời đại cạnh tranh gay gắt, nhiều ngân hàng lớn, đặc biệt là ngân hàng nhà nước đã “mất điểm” nghiêm trọng vì thái độ nhân viên lạnh lùng, cau có, thậm chí phân biệt đối xử với khách hàng.
Một số người dùng sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm xấu của mình trên tài khoản các nhân như: Facebook, Zalo – là kênh có tính lan toả thông tin rất cao, thậm chí kêu gọi tẩy chay ngân hàng có nhân viên thiếu tôn trọng khách hàng.
Tài khoản Facebook Kim Nguyen đã từng chia sẻ: “Hôm trước mình có việc ra một ngân hàng có chi nhánh tại Khâm Thiên (Hà Nội) chuyển khoản. Khi giao dịch với khách hàng, nhân viên có thái độ rất khó chịu. Chưa kể, ngân hàng này thu phí dịch vụ rất nhiều. Do đó, mình quyết đổi sang ngân hàng khác được miễn phí rất nhiều dịch vụ khác”. Chia sẻ này được bạn bè bình luận, tạo hiệu ứng tiêu cực đến uy tín của ngân hàng bị “bêu tên”.
Huyền Anh