Hệ thống mạng 5G được xem như một cơ hội kinh doanh tiềm năng trị giá hàng tỷ USD. Nhưng các nhà mạng không dây lại không có nhiều lựa chọn về đơn vị cung cấp phổ tần phù hợp để triển khai 5G.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Quyết định mua lại SPC, một công ty đang sở hữu giấy phép sử dụng phổ tần không dây, mà AT&T mới công bố hôm 10/4 vừa qua, là động thái mới nhất của đại gia viễn thông Mỹ, nhằm tích lũy đủ các kênh sóng cần thiết để triển khai mạng 5G thế hệ mới.
Để mọi việc diễn ra nhanh gọn, AT&T sẽ mua lại cổ phiếu SPC với giá 95,63 USD, tức là cao hơn tới 162,1% so với giá đóng cửa hôm thứ 6 tuần trước của cổ phiếu này. Cổ phiếu SPC ngay lập tức tăng lên 91,32 USD trong phiên giao dịch buổi chiều thứ 2, trong khi cổ phiếu của AT&T lại giảm nhẹ đôi chút.
Trước đó, từ cách đây 3 tháng, SPC đã chủ động thuê ngân hàng đầu tư Evercore Partners để tư vấn xây dựng chiến lược, trong đó có cả phương án thanh lý tài sản. Cố vấn cho SPC về mặt pháp lý là công ty luật Weil, Gotshal & Manges LLP.
Trong khi đó, AT&T thuê tư vấn của Moelis & Co và Kilpatrick Townsend & Stockton LLP. Đóng vai trò then chốt trong thương vụ kể trên không thể không nhắc tới Howard Jonas, một cổ đông lớn của SPC, người đã thỏa thuận với AT&T để bỏ phiếu ủng hộ thương vụ diễn ra suôn sẻ.
“Nhân hòa” đã có, thương vụ cũng may mắn gặp “thiên thời, địa lợi” để có thể xúc tiến nhanh. Hồi tháng 1 vừa rồi, SPC đã đồng ý nộp đủ 15 triệu USD cho Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), để giải quyết êm thấm cuộc điều tra đối với cáo buộc hãng này khai man thông tin nhằm gia hạn giấy phép khai thác sóng radio. Tính đến thời điểm này, SPC có thể xem là không còn vướng mắc gì với cơ quan chức năng và thương vụ trên dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 1 năm, sau khi FCC thẩm định xong.
![]() |
AT&T đã quyết định “đánh cược tương lai” vào mạng 5G
Cuộc đua khốc liệt
Việc AT&T thâu tóm SPC cho thấy các nhà mạng không dây quan tâm thế nào đến mạng 5G và sẵn sàng chi đậm tiền đầu tư. Sau 3G rồi 4G, thế hệ 5G được kỳ vọng sẽ cải thiện tốc độ đường truyền và dung lượng lên đáng kể.
Với việc dải sóng milimet dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng 5G, việc mua lại SPC, một trong những đơn vị lớn nhất nắm giữ giấy phép khai thác phổ tần milimet 28GHz và 39 GHz trong truyền thông di động, là quyết định toàn toàn dễ hiểu của AT&T.
Thời điểm này, đối thủ trực tiếp của AT&T là Verizon Communications cũng đang tích cực tiến hành thử nghiệm 5G. Verizon phối hợp với công ty sản xuất thiết bị Ericsson thử nghiệm dịch vụ 5G không dây tại 11 thị trường ở Mỹ và dự kiến sẽ chính thức cung cấp rộng rãi vào đầu năm 2018.
Tháng 2 vừa qua, Verizon tuyên bố hoàn tất việc mua lại mảng kinh doanh cáp quang của XO Communications với giá khoảng 1,8 tỷ USD, mở đường cho nhà mạng không dây số 1 của Mỹ truy cập vào dải sóng milimet.
Trong khi đó, từ đầu năm nay, AT&T đã thôn tính FiberTower để sở hữu quyền khai thác phổ tần sóng milimet của công ty tư nhân này; thương vụ dự kiến xong xuôi thủ tục vào tháng 1/2018.
AT&T cũng cùng với Nokia thử nghiệm thành công dịch vụ video trực tuyến DirecTV Now qua kết nối 5G sử dụng công nghệ sóng milimet. Nắm trong tay cả FiberTower và SPC, AT&T sẽ có một lượng phổ tần tương đương như của Verizon, nếu không muốn nói là nhiều hơn, theo nhận định của chuyên gia ngân hàng Wells Fargo.
Nhìn vào những gì đã và đang diễn ra vài tháng trở lại đây, giới đầu tư kỳ vọng làn sóng mua bán sáp nhập sẽ sôi động trong ngành viễn thông thời gian tới.
Ligado Networks, một doanh nghiệp dịch vụ vệ tinh không dây đang chờ phê duyệt của FCC để được phép sử dụng phổ tần của mình cho mạng 5G, được các chuyên gia đánh giá là cơ hội đầu tư hấp dẫn ngang ngửa SPC và cũng giống như Straight Path, đang làm việc với tư vấn tài chính để quyết định vận mệnh của mình trong tương lai.
Hải Châu