Lạc quan về triển vọng thương mại và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) giúp đẩy chứng khoán khu vực trong tháng này lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bất kỳ thỏa thuận nào mới cũng sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho đà tăng này. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại so với mức tăng hai con số trong năm nay, một phần do tăng trưởng kinh tế và thu nhập vẫn còn khá chậm.
Chinh phục đỉnh mới
Theo kết quả thăm dò ý kiến với hơn 20 nhà quản lý quỹ, chuyên gia chiến lược và nhà môi giới trong hai tuần qua, chỉ số STOXX 600 của châu Âu dự kiến sẽ duy trì quanh mức hiện tại cho đến giữa năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục 420 điểm vào cuối năm tới, tăng 2,9% so với kết phiên hôm thứ Hai đầu tuần này.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu, giúp cho các điều kiện tài chính nhìn chung là phù hợp cho triển vọng tích cực của cổ phiếu châu Âu trong vài quý tới.
Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới một “thỏa thuận bước đầu” và nguy cơ về một Brexit khó khăn ngày càng xa, cả số liệu về nhu cầu toàn cầu và kinh tế vĩ mô đều ủng hộ chỉ số chứng khoán tăng trong thời gian tới.
Theo dự đoán, kết thúc năm 2019, chỉ số DAX và Euro STOXX 50 sẽ tăng so với năm 2018 lần lượt là 25% và 23% còn STOXX 600 dự kiến sẽ ở mức 405 điểm, tăng 20% so với năm 2018 và là năm tăng trưởng tốt nhất kể từ 2009.
Chỉ số DAX của Đức được kỳ vọng sẽ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2020, tăng 3,6% so với kết phiên hôm thứ Hai. Còn Euro STOXX 50 của các blue-chip khu vực đồng euro sẽ kết thúc năm tới ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.
Tất nhiên câu chuyện nào cũng có hai mặt. Mặc dù giờ đây giá trị cổ phiếu của châu Âu cũng đã có những bước tiến so với mức trung bình trong quá khứ, nhưng đà tăng năm nay cho thấy các cổ phiếu này có vẻ như bị ảnh hưởng khá nhiều từ kết quả của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và Brexit.
Hoặc theo nhận định của Tomas Hildebrandt - quản lý danh mục cấp cao của Evli Bank (Helsinki), nếu những sự không chắc chắn mới không xuất hiện, nhiều khả năng nguồn vốn toàn cầu sẽ bị thu hút vào các nhóm tài sản có rủi ro cao do kỳ vọng lợi nhuận dù cho kinh tế tăng trưởng không đáng kể và những “bong bóng” như vậy cũng cần đặc biệt lưu ý.
![]() |
Chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp tục “bổ nhào” |
Vẫn cần cẩn trọng
Philipp Lisibach - chuyên gia chiến lược tại Credit Suisse, International Wealth Management tại Zurich, đánh giá chứng khoán châu Âu sẽ duy trì mức hiện tại trong 3 đến 6 tháng tới, còn năm 2020 thì có thể tăng nhẹ.
Những rủi ro lớn nhất có thể đến sẽ là sự leo thang tiềm năng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là thuế quan của Mỹ đối với ôtô châu Âu. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu vì thế sẽ vẫn khá chậm chạp trong năm 2020.
Bên cạnh đó, cũng có những nhận định chứng khoán châu Âu sẽ giảm. Christian Stocker - chuyên gia chiến lược của UniCredit, dự kiến rủi ro giảm lên tới 20% trong năm 2020 do tăng trưởng thu nhập thấp ở cả châu Âu và Mỹ.
Dù vậy, nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ sự điều chỉnh lớn nào nữa có thể gây mất ổn định thị trường, theo như nhận định của Marco Vailati, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và đầu tư của Cassa Lombarda. Lãi suất cực thấp đã được thiết lập để giữ lợi suất trái phiếu ở mức không còn hấp dẫn trong khi định hướng của các nhà đầu tư cũng vẫn tương đối rõ ràng. Sự hiện diện tích cực của ECB và sự dồi dào của nguồn lực tài chính trong các quỹ tiền tệ sẽ hạn chế rủi ro giảm giá hoặc có thể tiếp thêm động lực cho bất kỳ quá trình tăng điểm nào.
Mặc dù vẫn tồn tại những rủi ro và định giá cổ phiếu cao hơn thực tế, phần đông kết quả thăm dò ý kiến nhận định STOXX 600 thậm chí có thể sẽ vượt qua mức cao kỷ lục trước đó là 415,18 điểm hồi tháng 4/2015.
Hải Châu