Với việc nguồn cung khí đốt từ nhiều nước đối tác như Anh hay Hà Lan đang ngày càng cạn kiệt, nước Đức cảm nhận rõ nét hơn sự phụ thuộc của mình vào Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, đúng lúc “nước sôi lửa bỏng” về chính trị xảy ra giữa Nga và các nước Tây Âu.
Bắt tay xây dựng từ đầu
Điều này buộc bà Merkel phải suy nghĩ lại về khí hóa lỏng như là một lựa chọn khả dĩ nhất, như xây dựng các kho cảng ở Biển Bắc và Biển Baltic để nhập khẩu trực tiếp nhiên liệu đầu vào và không phải đi qua các cơ sở trung gian ở Hà Lan, Ba Lan hay Bỉ nữa. Ngay trong liên minh mới thành lập của bà cũng có một “hợp đồng liên minh”, trong đó lộ trình phát triển ngành năng lượng có đề cập đến khí hóa lỏng trong giai đoạn 4 năm tới đây.
Theo lời phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, bà Merkel hoàn toàn ủng hộ “tất cả các sáng kiến thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung khí đốt - cho dù là từ các khu vực khác nhau, hay bằng các phương tiện vận chuyển khí đốt khác nhau”.
Là loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn so với than đá và dầu mỏ, khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Đức nhằm thực hiện các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Song song với đó, Đức cũng đóng cửa dần các nhà máy đốt than và đầu tư nhiều hơn vào các trang trại gió và năng lượng mặt trời.
Hiện nay, Đức chưa có kho cảng nào nhập khẩu nhiên liệu ở dạng lỏng trước khi chuyển thành khí đốt, nên vẫn phải sử dụng hệ thống đường ống. Ước tính khí đốt từ Nga chiếm hơn 60% tổng lượng nhập khẩu của Đức trong năm 2017.
Ở châu Âu nói chung, nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng đang ngày một gia tăng. Kim ngạch nhập khẩu khí hóa lỏng của 28 quốc gia thành viên EU tăng trung bình 22% mỗi năm, trong đó Anh và Tây Ban Nha là những nước nhập khẩu nhiều nhất. Tuy nhiên, hầu hết các kho cảng ở Tây Bắc châu Âu lại chưa được khai thác hết khả năng.
Hiệp hội các nhà khai thác truyền tải của Đức (FNB GAS) đã xây dựng lộ trình phát triển 10 năm, trong đó có tới 7 tỷ euro dành cho các dự án mới, như kho cảng nhập khẩu Brunsbuettel trên sông Elbe với chi phí xây dựng 500 triệu euro và sẽ là nhà máy khí hóa lỏng đầu tiên của Đức, dự kiến mở cửa vào cuối năm 2022.
Đánh giá cao tiềm năng của khí hóa lỏng trong vai trò nhiên liệu cho tàu biển và xe tải hạng nặng, Đức còn khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân xây dựng kho cảng.
![]() |
Khí đốt từ Nga chiếm hơn 60% tổng lượng nhập khẩu của Đức trong năm 2017
Thêm lựa chọn là thêm sức nặng
Sự ủng hộ của chính phủ liên bang Đức là tín hiệu rất đúng lúc, cho công cuộc xây dựng các cơ sở khí hóa lỏng trên khắp các địa phương. Ngoài địa điểm Brunsbuettel, công ty điện lực RWE AG cũng đang xây dựng một kho cảng khác bên sông Rhine ở Duisburg. Theo lời quan chức bang Schleswig - Holstein, dự án 500 triệu euro này được mong chờ từ rất lâu, ở một địa bàn vốn đã là điểm sáng của ngành công nghiệp nặng của Đức.
Bộ trưởng Kinh tế bang Schleswig - Holstein, ông Bernd Buchholzsaid, cho rằng cần có nhiều hành động đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, bởi đó là nhiên liệu sạch, tốt cho địa phương nói riêng và cả nước Đức nói chung, giúp hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga.
Còn nhớ vào năm 2015, khi đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển G7, Đức không hề ngần ngại thể hiện sự ưu tiên của mình đối với khí đốt nhập khẩu qua hệ thống đường ống dẫn từ Nga và Nauy, bỏ ngoài tai áp lực từ Mỹ và Nhật Bản về việc phát triển khí hóa lỏng.
Theo nhận định của chuyên gia, đối với nước Đức, việc chuyển hướng thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung năng lượng là một chiến lược khôn ngoan. Chỉ cần nhìn vào Litva là thấy một bài học nhãn tiền: Sau khi có kho cảng nhập khẩu khí hóa lỏng, quốc gia này có nhiều lựa chọn trong tay hơn và sau đó buộc Nga phải trở lại bàn đàm phán để thương thảo lại giá cả hợp đồng mua bán khí đốt.
Hải Châu