Theo nguồn tin của Bloomberg, trong ngày 20/11, đoàn đàm phán của chính phủ các nước EU và Nghị viện châu Âu có thể sẽ thống nhất được toàn văn dự thảo.
Hai bên hiện đã giải quyết được 95% nội dung lời văn và mục tiêu của cuộc họp tới tại Brussels là thu hẹp khác biệt đối với 5% còn lại, trong đó có cả những vấn đề nhạy cảm chính trị.
Châu Âu đang chậm chân
Đối với phương Tây hiện nay, một trong những mối quan ngại lớn đang nổi lên chính là rủi ro an ninh quốc gia ẩn nấp trong các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn không cho nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công ty Lattice Semiconductor vì cảm thấy bất an về an ninh quốc gia.
Đức cũng có động thái “che chắn” cho các công nghệ tiên tiến của mình sau khi công ty Midea Group của Trung Quốc tìm cách thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka AG và gây ra phản ứng kịch liệt từ dư luận nước này.
Đầu năm nay, chính phủ Đức lần đầu tiên phải can thiệp và ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc mua lại hãng sản xuất máy móc công cụ Leifeld Metal Spinning.
Theo lời Trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện châu Âu - ông Franck Proust, tất cả các cường quốc khác trên thế giới đều có hệ thống sàng lọc đầu tư, riêng châu Âu là chưa có một công cụ như vậy và đây là lúc phải “bù đắp cho khoảng thời gian đã mất”.
Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, từng đề xuất về một “cơ chế hợp tác” toàn diện trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các hoạt động thu thập dữ liệu, trao đổi thông tin...
Quy định mới về sàng lọc dự án đầu tư sẽ tạo ra một cơ chế cảnh báo các khoản đầu tư nước ngoài trong tương lai ở châu Âu và xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung, nhằm hỗ trợ (chứ không làm thay) chính phủ các nước thành viên EU trong việc rà soát và cấp phép các giao dịch.
Có một thực tế là cho dù đã chấp nhận trao quyền cho EU điều hành các chính sách tiền tệ, cạnh tranh và thương mại, song nhiều nước thành viên vẫn muốn giữ lại quyền tự quyết trong một số lĩnh vực đặc biệt, trong đó có đầu tư và an ninh quốc phòng.
![]() |
Mối quan ngại lớn đối với EU là rủi ro an ninh quốc gia ẩn nấp trong các khoản đầu tư nước ngoài |
Học cách lắng nghe “hàng xóm”
Theo EC, mục tiêu ra đời của quy định mới là hạn chế các mối đe dọa bên ngoài đối với “cơ sở hạ tầng trọng yếu”, bao gồm năng lượng, giao thông, truyền thông, dữ liệu, không gian và tài chính và đối với các “công nghệ chủ chốt” như chất bán dẫn, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Chưa dừng lại ở đó, đoàn đàm phán các nước EU và Nghị viện châu Âu còn thống nhất bổ sung thêm các lĩnh vực như nước sạch, y tế, quốc phòng, truyền thông, công nghệ sinh học và an ninh lương thực vào phạm vi áp dụng.
Chính phủ các nước EU và EC sẽ được phép yêu cầu thông tin và đưa ra ý kiến về một dự án đầu tư nước ngoài cụ thể tại một quốc gia thành viên nào đó.
Quốc gia nhận đầu tư sẽ phải “cân nhắc kỹ” ý kiến của chính phủ các nước khác và của EC về những dự án đầu tư được cho là sẽ ảnh hưởng đến các chương trình kế hoạch của châu Âu.
Một điểm đáng chú ý nữa là đề xuất của ông Proust nhằm tăng cường hiệu lực thực thi các ý tưởng trên thông qua cơ chế “báo động”, khi ít nhất 1/3 số nước thành viên EU cho rằng một dự án đầu tư nước ngoài nào đó ở một nước thành viên khác có thể ảnh hưởng đến an ninh của họ.
Bộ trưởng Kinh tế Áo Margarete Schramboeck cho biết quá trình đàm phán đang tiến triển tốt và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12. Áo hiện là quốc gia Chủ tịch luân phiên của EU và đại diện cho các nước EU tham gia đàm phán.
Một số quốc gia tỏ ý lo ngại sẽ mất quyền tự quyết, bị châu Âu áp đặt. “Thực tế không phải như vậy. Những gì chúng tôi đưa ra là một hệ thống trao đổi thông tin nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các quốc gia trong quá trình ra quyết định”, ông Proust chia sẻ thêm.
Hải Châu