Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Mỹ phải thu hồi ngay lập tức số tiền trợ cấp lên tới 5,7 tỷ USD, nhưng Mỹ cho rằng con số này đã bị thổi phồng quá mức và thực tế chỉ rơi vào khoảng 50 triệu USD mà thôi.
Thu hồi ngay lập tức
Tuyên bố của WTO được đưa ra sau khi kết thúc thời gian điều tra những cáo buộc của Airbus, đối thủ châu Âu lớn nhất của Boeing, đối với khoản trợ cấp mà Boeing nhận được từ chính quyền Mỹ, trong quá trình sản xuất máy bay thân rộng 777X. Đây là mẫu máy bay thế hệ mới với sức chứa tới hơn 400 hành khách, dự kiến bắt đầu khai thác vào năm 2020 và đã nhận được hơn 300 đơn đặt hàng từ nhiều hãng hàng không, như Emirates hay Lufthansa.
Ở vị trí phân xử, WTO không đề cập gì đến số tiền chính xác, mà chỉ đưa ra thời hạn 90 ngày cho Mỹ, mặc dù Mỹ vẫn có thể nộp đơn kháng cáo.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ nghiêm chỉnh chấp hành quy định, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, và thu hồi các khoản trợ cấp ngay lập tức”, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), ông Matt McAlvanah, phản pháo rằng: “Vụ kiện này là chỉ một phần nhỏ trong số các tranh chấp về ngành hàng không vũ trụ mà WTO đang đứng về phía Mỹ”. Chính phủ Mỹ đang làm việc với đại diện tiểu bang Washington, nơi bị cáo buộc đã trợ cấp “quá tay” cho Boeing, để tìm phương án giải quyết.
Luật sư của Boeing, ông J. Michael Luttig, thì tự tin không có gì là trái luật cả và Boeing vẫn sẽ được hưởng đầy đủ mọi ưu đãi từ bang Washington sau quá trình kháng cáo.
![]() |
Boeing vẫn sẽ được hưởng đầy đủ mọi ưu đãi từ bang Washington
Ưu đãi thuế là một vấn đề nóng, nhưng chưa phải tất cả. Vắt qua hai thế kỷ, Mỹ và EU không ngừng “làm khổ” nhau về những cáo buộc ngấm ngầm tài trợ trái quy định cho hãng sản xuất máy bay “ruột thịt” của mình, là Boeing và Airbus.
Cũng có những dịp hiếm hoi hai bên chịu bắt tay thỏa hiệp, đơn cử như năm 1992; nhưng sau đó Mỹ bất ngờ rút tay lại vào năm 2004, vì cho rằng EU vẫn nâng đỡ Airbus để có lợi thế cạnh tranh so với Boeing.
Cuộc chiến dai dẳng
Kể từ đó, cả Mỹ và EU, mỗi bên đều có lần được hưởng hương vị chiến thắng khi tố cáo đối phương và hầu như lần nào bên bị xử thua cũng tìm cách kháng cáo.
Giới chuyên gia cho rằng nếu hai bên cứ một mực “tôi luôn đúng” và bỏ qua phán quyết của WTO, thì quan hệ thương mại song phương sẽ bị ảnh hưởng, khi bên này tìm cách trả đũa bên kia, thậm chí cả những hàng hóa, dịch vụ chẳng liên quan gì đến máy bay hay linh kiện máy bay cũng có thể bị đánh thuế “vạ lây”.
Tất nhiên, việc có đánh thuế “cho bõ tức” hay không là quyền quyết định của bên thắng kiện và căng thẳng vẫn còn cơ hội hạ nhiệt nếu bên thua kiện chấp nhận điều chỉnh cách thức hỗ trợ cho phù hợp.
Trong bối cảnh các tranh chấp khó lòng được giải quyết nhanh gọn, kể cả bằng các quy định quốc tế, Giám đốc điều hành Airbus ông Tom Enders - đã đề nghị Boeing quay trở lại bàn đàm phán bởi “Cách duy nhất để thoát khỏi lùm xùm tranh chấp do Mỹ khơi ra là thiết lập một bộ quy tắc toàn cầu về chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp máy bay dân dụng; điều này sẽ có lợi cho cả hai bên bờ Đại Tây Dương”.
Ông Enders cũng nhấn mạnh rằng sự hậu thuẫn tài chính dành cho các nhà sản xuất máy bay là một thực tế rất phổ biến ở Canada, Nga và châu Á. Chính vì vậy, mà một khuôn khổ quy định mang tính quốc tế là nhu cầu hết sức bức thiết.
Tuy nhiên, Boeing vẫn giữ lập trường cứng rắn rằng EU mới là bên gây rắc rối và tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi EU nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của WTO.
Hải Châu