![]() |
Sức mua tại chợ dân sinh HH Linh Đàm trước Tết ông Công ông Táo 2 ngày giảm mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái. |
Chị Hương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Năm nay, do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nên tôi không đi chợ nữa mà đặt mua đồ online để tránh cảnh chen chúc. Giờ mà bị cách ly là mất ăn Tết”.
Sức mua dè dặt
Chị Nguyễn Thúy Hằng ở Thường Tín - người chuyên bán đào mini Tết ở Hà Nội cho biết, hằng năm cứ trước Tết khoảng 15 ngày, chị lại đến các vườn đào trong khu vực để thu mua cành đào mini. Sau đó, từ 20 âm trở đi, vợ chồng chị bắt đầu tỏa đi các chợ dân sinh để bán lẻ.
“Thời điểm này mọi năm, tôi phải huy động thêm chồng con để bán hàng. Tuy nhiên, năm nay ế ẩm, trong 2 ngày qua, tôi mới bán được khoảng 20 cành đào mini”, chị Hằng cho hay.
Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh tại một số chợ dân sinh khu vực quận Hoàng Mai như: Đại Từ, Kim Giang... cho thấy, giá nhiều mặt hàng phục vụ lễ Tết đã tăng lên. Tuy nhiên, sức mua khá dè dặt.
Nhiều tiểu thương tại chợ dân sinh HH Linh Đàm cho biết, năm nay do dịch bệnh liên tiếp nên sức mua những ngày này không nhiều. Nhất là trong mấy ngày qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường hàng hóa không sôi động như những năm trước, lượng người mua ít hẳn.
Chị Thắm, chủ quầy hoa quả cho hay, đã là 21 Tết rồi nhưng chưa năm nào tình hình bán hàng lại vắng vẻ như dịp Tết năm nay.
"Những năm trước, tôi chỉ cần ngồi nhà nghe điện thoại của khách quen đặt hàng làm lễ, còn năm nay ngồi từ sáng đến giờ vẫn còn phân nửa hàng chưa bán được. Hoa quả thì không để được lâu, chỉ bán trong một vài ngày, nếu không sẽ hỏng hết. Cứ tình trạng này đến Tết thì lời lãi không được bao nhiêu", chị Thắm nói.
Chị Hoàng Hải Yến, chủ cửa hàng tươi sống cũng cho biết, những ngày qua chỉ bán túc tắc: “Như 2 hôm nay (ngày 21 - 22 tháng Chạp), rất nhiều nhà làm lễ cúng Táo quân nhưng chỉ bán được khoảng 50 - 60 bộ cá chép đỏ. Trong khi những năm trước, thời điểm vài ba ngày trước lễ Táo quân, việc mua bán rất nhộn nhịp, hàng bán được nhanh hơn”.
Lo ngại sức mua tại chợ giảm so với mọi năm, nên giá bán các mặt hàng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Ví dụ, một bộ cá chép gồm 3 con dao động từ 30.000 - 50.000 đồng.
Trong khi đó, các đồ khô, đồ tươi sống, hoa quả, hoa tươi tăng 10.000 – 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, măng khô tăng lên 250.000 đồng/kg, miến loại ngon 120.000 đồng/kg, nấm hương rừng 320.000 đồng/kg, mộc nhĩ 170.000 đồng/kg. Đào “mini” về chợ chào giá từ 60.000 đồng/cành nhỏ, loại to từ 120.000 đồng/cành…
“Chợ mạng" đắt khách
Trong khi chợ truyền thống vắng khách, thì “chợ mạng" lại "tấp nập" người mua. Chị Vũ Bình (bán hàng online) cho biết, đã nhận đặt hàng rau câu và bánh trôi cá chép từ gần một tuần nay. “Khay 3-5 con 45.000 - 90.000 đồng. Rau câu cá chép thỏi vàng 70.000 đồng/phần”, chị Bình giới thiệu.
![]() |
Bánh cá chép hút khách trên "chợ mạng" dịp Tết ông Công ông Táo. |
Nguyên liệu cho các món này vẫn là bột nếp, bột rau câu,… nhưng điểm hút khách là cách làm độc lạ, sáng tạo. Chị Bình cho hay: “Mình nhận đơn đến ngày 23 tháng Chạp, ước chừng có ngày khách đặt 1.000 bánh trôi”.
Năm nay, các loại xôi, thạch rau câu, bánh trôi hình cá chép được ưa chuộng, bán tràn lan trên mạng.
Chị Hồng Ngọc (chủ tài khoản facebook Hồng Ngọc Phạm) cho biết, mấy ngày nay, chị phải làm hết công suất mới đủ bánh trôi cá chép giao cho khách. Hiện tại, nhà chị Ngọc đã nhận làm gần 1.000 con cá chép bánh trôi với đủ kích cỡ, hình thù.
"Mọi năm nhà tôi nhận làm xôi cá chép. Năm nay, ngoài xôi còn nhận làm thêm bánh trôi cá chép vì thấy sản phẩm này được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích do mới lạ và đẹp mắt", chị Ngọc cho hay.
“Đến nay đã có hơn 800 đơn đặt hàng. Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi buộc phải ngưng nhận đơn để tập trung chuẩn bị nguyên liệu và làm cá chép cho khách đã đặt”, chị Ngọc chia sẻ.
Hiện, các mặt hàng "cá chép giả" này được rao bán rất nhiều trên các trang bán hàng online với giá dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/sản phẩm. Cụ thể, xôi cá chép có thêm nhân làm bằng thịt xào nấm giá 110.000 đồng/con nặng khoảng 0,8kg, mâm cá đơn và thỏi vàng 170.000 đồng, mâm vàng 170.000 đồng, mâm song ngư 220.000 đồng...
Trong khi đó, chị Hằng cho biết, nhờ nắm bắt tâm lý lo ngại dịch bệnh, nhiều bà nội trợ ngại đi chợ mua trực tiếp mà chuyển sang mua hàng online nên chị đăng lên Facebook để rao bán. “Riêng kênh online, mỗi ngày nhà tôi chốt khoảng 100 - 300 đơn đặt hàng cành đào mini của khách”, chị Hằng nói.
Thanh Hoa