Báo cáo chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho rằng ngành du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt có thể dẫn đến những tác động bất lợi.
Quá tải vì lượng khách tăng mạnh
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2019 đạt 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
"Mức tăng 7,5% khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2019 dù thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức độ tăng trưởng khách quốc tế của thế giới là 3 – 4% và khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 5-6%", Tổng cục Du lịch cho biết.
Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 45,5 triệu lượt (khách lưu trú đạt 22,9 triệu lượt).
Theo nhận định của các công ty lữ hành, ở một vài điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải du khách đến tham quan và nghỉ ngơi.
Giám đốc một công ty du lịch cho biết: "Hai năm trước, huyện Côn Đảo còn đau đầu tìm cách thu hút khách du lịch. Nay, du khách đã tăng vài chục phần trăm mỗi năm, nhưng lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng tăng không đáng kể khiến Côn Đảo rơi vào tình trạng quá tải".
Vị giám đốc này dẫn số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: trong năm 2019, lượng khách du lịch đến Côn Đảo có thể lên đến đến 300.000 lượt, bằng với con số kỳ vọng cho năm 2030! Trong khi đó, cả đảo hiện chỉ có khoảng 1.200 phòng khách sạn nên đang phải sử dụng thêm hệ thống phòng cho thuê ở các nhà dân thì mới phục vụ đủ.
"Cơ sở vật chất ở Côn Đảo hiện nay sẽ không đáp ứng nổi nếu khách tiếp tục đổ dồn đến", vị giám đốc công ty này chia sẻ.
Thực tế, câu chuyện kể trên không chỉ là đặc trưng của Côn Đảo mà nhiều điểm đến khác trong cả nước cũng đang kín khách và thiếu dịch vụ. Chẳng hạn như Nha Trang, Phú Quốc, Sapa, Hội An…
Chị Hoài Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Bốn năm trước, tôi lên Sapa vào những ngày thường, đường sá vắng hoe. Khách sạn từ "ngàn sao" đến 5 sao lúc nào cũng trống phòng, du khách có thể đặt phòng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hai năm gần đây, Sapa lúc nào cũng chật cứng du khách, nếu không đặt phòng trước một tháng sẽ khó tìm được phòng ở ưng ý. Thậm chí vào những ngày lễ tết, cuối tuần, nếu du khách đặt phòng cận ngày sẽ không còn phòng để ở".
![]() |
Hầu hết các điểm đến du lịch đã bị quá tải |
Nên dừng lại?
Ông Brian Mtonya, chuyên gia nghiên cứu của WB, cho biết trong khoảng 10 năm qua, ngành du lịch Việt Nam bùng phát mạnh mẽ, trong đó khách quốc tế và cả khách trong nước đã tăng khoảng 4 lần, đem lại thành quả quan trọng, đóng góp ngày càng tăng cho nền kinh tế chung (đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2017 là 8%), đồng thời đã và đang là động lực tăng trưởng quan trọng ở các địa phương nghèo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đồng nghĩa với áp lực quá tải sẽ ngày càng tăng nếu đầu tư về hạ tầng không bắt kịp. Xu hướng du khách mới tiếp tục đổ vào những điểm thị trường du lịch đại chúng, dẫn đến nhiều thách thức trong phát triển du lịch.
Ông Brian Mtonya phân tích: "Số lượt khách du lịch tăng đã mạnh trong thời gian qua, kết hợp với tình trạng giảm chi tiêu của du khách và quá tải ở một số điểm đang đặt ra gánh nặng về hạ tầng địa phương, nguồn nhân lực và về môi trường".
Theo WB, điều này không chỉ đe dọa cho sự bền vững về môi trường, văn hóa và xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, tài sản thiên nhiên, văn hóa dành cho du lịch có nguy cơ rủi ro cao, điển hình ở Hội An, Sapa và Sơn Đoòng…
"Nếu Sơn Đoòng không có quy hoạch cụ thể sẽ dễ đánh mất thương hiệu "kỳ quan thiên nhiên thế giới"", một chuyên gia nói.
Đồng tình, chị Hương Linh – nhân viên lữ hành của một công ty du lịch, chia sẻ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện nay phần lớn vì nhu cầu khám phá và giá dịch vụ rẻ. Trong khi đó, chiến lược tạo sản phẩm cao cấp, thu hút khách có mức chi tiêu cao, có thời gian lưu trú dài hơn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi của ngành du lịch.
Ông Brian Mtonya cho rằng: "Việt Nam không nên hy sinh môi trường, tài sản văn hóa của mình – vốn là những thứ rất quan trọng, để đổi lấy tăng trưởng khách du lịch. Đây là thời điểm phải hành động. Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đảm bảo du lịch đại chúng không nên phát triển theo hướng gây tổn hại tài sản văn hóa và môi trường. Đã có rất nhiều bài học trên thế giới rồi. WB sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này".
Thanh Hoa