Biện pháp này nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
![]() |
Tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất đi Mỹ (Ảnh Internet) |
Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính; áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Thông tư số 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2019 đến hết ngày 31/12/2024.
Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương lành mạnh giữa Việt Nam và Mỹ và những đối tác thương mại quan trọng khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Bộ trường Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết tại phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 7/11, gỗ dán là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong thời gian 2018 và 2019 sang Mỹ với con số 100%.
“Qua đối chiếu với thực tế sản xuất và năng lực của ngành hàng này, cho thấy được nguy cơ trừng phạt thương mại của các quốc gia nhập khẩu như Mỹ là rất cao, nên Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ", Bộ trưởng thông tin.
Công Trí