Giá lúa gạo trong nước ổn định
Giá lúa gạo ngày 12/8 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) duy trì ổn định, trong khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh 15 USD/tấn so với hôm qua. Đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 45 USD so với ngày 3/8.
![]() |
Giá lúa gạo trong nước ổn định, trong khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh (Ảnh: Internet) |
Giá lúa gạo tại ĐBSCL ngày 12/8 duy trì ổn định so với hôm qua. Cụ thể, giá lúa tươi IR 504 ở mức 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine 6.000 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 5.850 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.200 đồng/kg; nàng hoa 9 giá 6.400 đồng/kg; Om 6976 5.800 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 do nguồn cung về ít nên giá tiếp tục tăng 200 đồng/kg lên mức 6.000 đồng/kg.
Theo các thương lái tại An Giang, Đồng Tháp, thị trường lúa gạo có nhiều chuyển biến tốt trong tuần qua. Nguyên nhân là do việc thu hoạch lúa hè thu đã vào cuối vụ, nguồn cung ra thị trường giảm dần khiến giá nhích lên.
Với mặt hàng gạo, giá các loại gạo NL IR 504 và OM 5451 hôm nay chững lại và duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.000 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg. Mặc dù giảm, song theo các thương lái, mức giá này vẫn cao hơn từ 300 – 500 đồng/kg so với cách đây một tuần.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay tiếp tục lập đỉnh giá mới. Cụ thể, gạo loại 5% tấm ở mức 493 - 497 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với hôm qua và tăng 45 USD/tấn so với ngày 3/8. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm nhẹ 3 USD/tấn so với cách đây một tuần. Hiện, giá gạo cùng loại của Thái Lan đang ở mức 463 – 467 USD/tấn. Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 15 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Pakistan 80 USD/tấn.
Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam và thị trường lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong nửa cuối năm nay sẽ có những chuyển động, trước mắt là giá lúa vụ hè thu.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng trong nửa đầu tháng 7. Giá lúa tăng đầu tháng do nông dân sắp chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu, vào thời điểm đó nguồn cung từ vụ đông xuân không còn nhiều. Đồng thời, giá lúa, gạo xuất khẩu có bước phục hồi tốt.
Giá tiêu: gần đạt 50.000 đồng/kg
Giá tiêu ngày 12/8 ở Tây Nguyên và miền Nam có xu hướng tăng nhẹ theo giá tiêu thế giới. Một số địa phương đang được thu mua gần mức 50.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu đầu giờ sáng 12/8 đang được thu mua trong khoảng từ 47.000 - 49.500 đồng/kg, hầu hết giữ nguyên so với với cùng thời điểm sáng hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay hiện được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, giá tiêu giữ ở mức 47.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu được thu mua 49.500 đồng/kg, đây vẫn là địa phương cao nhất toàn miền.
Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 48.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ chốt tại 33.250 Rupee/tạ, tăng 0,38%, tương đương 125 Rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 6 - 12/8/2020 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 309,63 VND/INR.
Kể từ 26/6/2020, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi luôn có mức cao nhất trong các vùng trồng trọng điểm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg, thị trường tiêu nội địa chưa chứng kiến sự tăng trưởng trở lại. Trong cả tháng 7 và tuần đầu tháng 8, giá loanh quanh ở mức 45.000 - 48.500 đồng/kg.
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá tiêu giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đại dịch này cùng dư cung tiêu trong nửa đầu năm 2020 đã khiến xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và trị giá.
Trong các tháng tới, sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng COVID-19 lần thứ 2 tại các thị trường này.
Thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế.
Giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ
Giá cà phê nguyên liệu ngày 12/8 dao động 32.100 - 32.500 đồng/kg, tiếp tục giảm nhẹ.
Theo ghi nhận, giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên đầu giờ sáng hôm nay tiếp tục giảm nhẹ, trung bình 100 đồng/kg.
Tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.100 - 32.200 đồng/kg; tại huyện Bảo Lộc và Lâm Hà ở mức 32.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay ở mức 32.400 đồng/kg; tại huyện Ea H'leo và Buôn Hồ được thu mua với mức 32.400 - 32.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 32.400 đồng/kg (Gia Nghĩa), 32.300 đồng/kg (Đắk R'lấp).
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 32.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng 32.500 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 32.400 đồng/kg.
Trong phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tại 2 sàn giao dịch trên thế giới tiếp tục có xu hướng giảm. Giá cà phê Robusta tại London giảm 8 USD/tấn (0.58%) giao tháng 9/2020 giao dịch ở mức 1.383 USD/tấn. Sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2020 giảm 1,25 cent/lb (1.11%) giao dịch ở mức 111.35 cent/lb.
Theo các chuyên gia, quý III/2020, giá cà phê được dự báo ở mức ổn định dù lượng bán ra tăng lên. Một số thị trường có thể phải đóng cửa cách ly xã hội trở lại do làn sóng COVID-19 đang lan rộng.
Liên minh châu Âu được dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao cà phê đạt 49,5 triệu bao, chiếm khoảng 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới. Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai (chiếm 23%) của EU sau Brazil (chiếm 29%), kế đến là Colombia (7%) và Honduras (6%).
P.L