6h sáng nay, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.917 USD/ounce, giảm 110 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Giá vàng trong phiên cao nhất là 2.023 USD/ounce.
![]() |
Giá vàng thế giới đã lao dốc sau khi vọt tăng qua đỉnh 2.000 USD/ounce (Ảnh: Internet) |
Vàng thế giới lao dốc không phanh trước thông tin Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới chế tạo và đăng ký vaccine chống COVID-19. Một làn sóng bán tháo vàng lập tức được thực hiện để cắt lỗ.
Giá vàng được dự báo có thể giảm tiếp trong các phiên tới do hoạt động margin call (đóng lệnh giao dịch khi thua lỗ đến một mức nhất định).
Vàng đã giảm mạnh khi đồng USD tiếp tục tăng và Mỹ tung gói kích thích kinh tế mới, khiến nhà đầu tư tranh thủ chốt lời từ đợt tăng giá cao kỷ lục.
Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho biết: “Vàng đã không tăng thêm mặc dù căng thẳng chính trị gia tăng, cho thấy nhiều yếu tố hỗ trợ cho vàng đã được định giá”. Chứng khoán toàn cầu đạt mức cao nhất trong nhiều tháng do kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý thỏa thuận hỗ trợ gói kích thích kinh tế mới.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 11/8, đa số các cửa hàng ở Hà Nội giảm mạnh giá vàng 9999 khoảng 3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 52,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,50 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 53,58 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,50 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đợt điều chỉnh này của giá vàng sẽ không mang tính chất dài hạn, vì các trợ lực tăng giá thời gian qua cho mặt hàng này như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị, tiền tệ nới lỏng… vẫn còn giá trị. Khi các yếu tố cơ bản đó chưa được khắc phục một cách tích cực thì giá vàng vẫn tăng lên và nhà đầu tư vẫn chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn nhất trong các loại hình đầu tư cơ bản.
Đ.N