Đây là vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra tại phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" diễn ra ngày 7/9.
Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp
Báo cáo về thị trường điện cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã chính thức vận hành ngày 1/7/2012 và đạt được các kết quả tích cực góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống.
Đến cuối năm 2019, có 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW (chiếm 47,5% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện.
![]() |
Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030. |
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ năm 2017-2018 và vận hành chính thức từ 1/1/2019.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hướng tới cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện từ sau năm 2024.
Tại phiên giải trình, ông Hoàng Quang Hàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chất vấn Bộ trưởng Công Thương: "Từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm. Xin hỏi đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, thực tế thời gian qua, người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế giá điện giảm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định khi hình thành thị trường điện cạnh tranh thì giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. "Tôi tin rằng nguyên tắc của chúng ta lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận so với yêu cầu của một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, tính đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp, tạo nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển thì thị trường điện, giá cả kể cả bán buôn và bán lẻ còn có một khoảng cách. Hiện, giá điện chưa thực sự phản ánh quan hệ cung - cầu, chưa theo quy luật giá trị, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư.
![]() |
Hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường. |
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ: Có nhiều ý kiến cho rằng một số lĩnh vực sản xuất được nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhờ lợi dụng giá điện thấp, nhân công rẻ, giá môi trường rẻ… Nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng được chuyển dịch vào Việt Nam những năm qua cũng vì lý do đó? Đây là câu hỏi cần được trả lời.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư nguồn điện vừa qua chậm là do giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư.
Vấn đề ở đây là giá mua điện thế nào? Một ví dụ về giá điện tái tạo được ưu đãi với mức cao nên hấp dẫn nhà đầu tư, chỉ trong 2 năm từ 2019 - 2020, điện tái tạo đã đạt công suất trên 5.400 MW. Mặt khác, hiện nay có rất nhiều địa phương, rất nhiều doanh nghiệp đề nghị được đầu tư điện tái tạo, mặc dù công suất đã vượt Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
"Cùng với đó, bất cập cần phải thấy là giá bán lẻ điện mỗi lần điều chỉnh là một lần khó khăn vì rào cản của thu nhập, của giá thành, sự không chấp nhận của người mua, của dư luận… Đó là lẽ thường tình, bởi chẳng ai muốn mua gì đắt cả, càng rẻ càng tốt", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề là căn cứ, là công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện. Đó là điều tốt cho cả người cung cấp và người thụ hưởng. Thực hiện cơ chế thị trường để có cạnh tranh thì mới có điều kiện hạ giá thành sản xuất điện, giá bán điện, mới có nguồn lực để đầu tư về điện. Thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn.
"Cũng có thể nói rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng", Phó Chủ tịch Quốc hội cảnh báo.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Thy Lê