Việt Nam chữa khỏi 902 bệnh nhân
Tính đến 6h ngày 12/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
![]() |
Việc phòng và điều trị COVID - 19 tại Việt Nam đang có nhiều tiến triển, đã 10 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng. |
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 35.390, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 590; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.433; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.367
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 902 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.060 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 17 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ, có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.
Bộ Y tế mới có công văn về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh. Theo đó, Đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam cần xuất cảnh và có yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận không dương tính với SARS-CoV-2, đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ở các tỉnh, thành phố để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Nếu kết quả dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
Thế giới có hơn 28,4 triệu ca mắc COVID - 19
Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 28.410.527 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 915.070 trường hợp tử vong.
Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 96.551 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại quốc gia Nam Á này. Theo Bộ Y tế nước này, tỷ lệ mắc COVID-19 trong nước đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Hiện tổng số ca mắc tại Ấn Độ đã lên tới 4,5 triệu ca. Số ca tử vong duy trì ở mức hơn 1.000 ca/ngày trong 10 ngày qua. Ấn Độ ghi nhận thêm 1.209 ca tử vong, nâng tổng số lên 76.271 ca.
![]() |
Trên thế giới đã có hơn 20.416.840 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 7 triệu ca đang được điều trị với khoảng 1% là các ca nặng hoặc nguy kịch. |
Mặc dù dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chậm hơn ở một số nước, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ Latinh, khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu. Thống kê cho thấy số ca nhiễm trung bình hằng ngày tại khu vực này đã giảm xuống 67.173 ca trong tuần từ ngày 2-9/9, so với 80.512 ca tuần trước đó.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, với 6.589.020 ca mắc, trong đó có 196.345 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của dịch bệnh cũng đã giảm mạnh tại nước này, tới 13% so với tuần trước.
Brazil vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong khu vực, với hơn 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 129.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chức Brazil cho biết số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm với tốc độ mạnh nhất (30%).
Peru, Colombia và Mexico - các nước có số ca nhiễm nhiều sau Brazil tại khu vực này, cũng giảm nhẹ. Các nhà lãnh đạo các nước khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Riêng ngành du lịch của khu vực này ước tính thiệt hại khoảng 230 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và hoạt động du lịch trên toàn cầu giảm mạnh.
Đ.A