Thường trực Chính phủ cho biết sẽ thảo luận về Báo cáo phương án xử lý dứt điểm 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của Bộ Công Thương và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.
Tuy nhiên, một thực tế cần ghi nhận là cho tới nay, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã phải ban hành 20 văn bản chỉ đạo việc thực hiện xử lý, tồn tại yếu kém tại 12 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ này với hơn 100 nhiệm vụ giao cho các tập đoàn, tổng công ty để thực hiện.
Xử lý dứt điểm
Được biết, trong danh sách 12 nhà máy, dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, bao gồm: đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung.
Có ba dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, gồm: dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn II nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án bột giấy Phương Nam.
Ba nhà máy còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ – PVTex.
Nói về việc xử lý 12 dự án này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng phải đánh giá từng trường hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, đánh giá hiệu quả, đánh giá khả năng xử lý của từng dự án, không thể có một giải pháp chung cho tất cả các dự án.
Theo ông Trung, sau khi đánh giá, dự án nào có thể phục hồi được thì phục hồi, còn dự án nào đã xem xét trên cơ sở thực tiễn, tài chính không thể phục hồi được, cần phải xử lý dứt điểm như giải thể, phá sản. Trường hợp những dự án không thể phục hồi mà cứ cố gắng duy trì, hỗ trợ phục hồi sẽ gây tổn thất càng lớn cho nền kinh tế. Do đó, phải xử lý dứt điểm.
Trước đó, trong buổi làm việc lần thứ hai của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sau hơn một tháng thị sát, tìm hiểu trực tiếp 12 dự án, nhà máy này vào tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có lưu ý rằng không để kéo dài tiếp những thiệt hại, phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này.
Ông Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an xác định, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước. Trước đó, đã có những hồ sơ được chuyển sang Bộ Công an để điều tra dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết các hợp đồng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
![]() |
Nhà máy đóng tàu Dung Quất – một trong 12 nhà máy, dự án nghìn tỷ bị thua lỗ
Áp nguyên tắc thị trường
Trả lời báo chí về 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đây là nhiệm vụ lớn của ngành Công Thương và cả hệ thống trong việc giải quyết những vấn đề liên quan cũng như đổi mới hoạt động, sắp xếp lại hệ thống các DNNN sao cho hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, đi kèm với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân cấp quản lý để đảm bảo quản trị các DNNN hiệu quả hơn, giúp cho nguồn lực quốc gia, nguồn lực Nhà nước không bị tham ô, lãng phí, sử dụng không hiệu quả. Quan điểm này của Bộ trưởng cho thấy việc “xử lý dứt điểm” những mảng tối, bất cập còn tồn tại của khu vực DNNN là điều vô cùng cấp thiết.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã nhấn mạnh, mặc dù có những đóng góp và cải cách trong quá khứ, nhưng DNNN của Việt Nam đang sút kém.
Cụ thể, DNNN sử dụng lao động, đất đai và vốn kém hiệu quả cùng một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã hủy hoại nguồn vốn của Nhà nước thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa và vay nợ thiếu thận trọng. Do đó, Việt Nam cần phải cải cách triệt để khu vực DNNN của mình để trở thành một nền kinh tế thị trường phát triển vào năm 2035.
Giới chuyên gia nhận định, khu vực nhà nước của Việt Nam có một lịch sử lâu dài về sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, kể từ thời kế hoạch hóa tập trung khi tất cả các hoạt động sản xuất chính thức hoàn toàn nằm trong tay khu vực công.
Chiếm 40% tổng mức đầu tư, nhưng khu vực công chỉ đóng góp 30% vào tăng trưởng GDP. Điều này phản ánh kết quả hoạt động yếu kém của các DNNN, được thể hiện bằng các thước đo tài sản (bao gồm vốn và đất đai) và năng suất lao động thấp ở cấp độ doanh nghiệp trong suốt những năm 2000. Do đó, từ 12 dự án nghìn tỷ đồng đang thua lỗ đã chứng tỏ được việc một bộ phận DNNN sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực là rõ ràng, hiển nhiên.
Tuy nhiên, trong khi ít có động lực để đạt được hiệu quả tốt nhất, DNNN lại được che chở bằng các thị trường được bảo hộ và không bị yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt, được hưởng lợi từ những ưu đãi về đất đai, vốn, hợp đồng của Chính phủ cùng các đặc quyền ngầm và công khai khác, với nhiều mục tiêu xã hội và chính trị không rõ ràng.
Vì vậy, với những hậu quả Nhà nước phải gánh chịu từ 12 đại dự án thua lỗ, giới chuyên gia khuyến cáo cần áp dụng nguyên tắc thị trường đối với DNNN. Trước hết, phải có những ràng buộc ngân sách cứng và thông tin tài chính đáng tin cậy, kịp thời.
Trong đó, ràng buộc ngân sách cứng với hầu hết trường hợp sẽ bao hàm: không có nguồn tài chính ưu đãi từ ngân sách nhà nước hoặc bảo lãnh ngầm hay công khai đối với những khoản nợ thương mại của các DNNN. Những trường hợp ngoại lệ sẽ ít đi và nếu có ngoại lệ cũng phải dựa trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng và minh bạch.
Thanh Loan