Tại Toạ đàm chính sách về tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ngày 14/1, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố số liệu ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, chiếm từ 5-7% GDP.
Thiệt hại khoảng 5% GDP
PGS.TS Đinh Đức Trường cho biết Chỉ số năng lực môi trường năm 2018 (EPI) là chỉ số tổng hợp được sử dụng đánh giá vị trí chất lượng môi trường ở các quốc gia trên thế giới và được Đại học Yale (Mỹ) công bố hàng năm.
Trong đó, EPI có 10 chỉ số thành phần xếp 2 nhóm về sức khoẻ môi trường và bền vững hệ sinh thái, trong các thành phần chỉ số nhỏ hơn có 2 chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí là chất lượng môi trường không khí và mức độ ô nhiễm.
Theo công bố năm 2012, Việt Nam xếp hạng 79/132 quốc gia, năm 2017 xếp hạng 131/178 và năm 2018 xếp hạng 132/180.
Xếp hạng 2 chỉ số chất lượng môi trường không khí và mức độ ô nhiễm của Việt Nam năm 2018 ở mức 159-161 trên thế giới, sức khỏe môi trường đứng thứ 129. Theo đánh giá của các chuyên gia, thành quả về bảo vệ môi trường năm 2018 so với các quốc gia trên thế giới của Việt Nam ngày càng tụt hậu. Thậm chí, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam xếp thứ 7, chỉ trên Indonesia, Lào, Campuchia và Myanmar.
Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu do Quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ.
Không chỉ thiệt hại về người, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế.
PGS.TS Đinh Đức Trường cho biết Việt Nam đã có một số công bố nghiên cứu về ô nhiễm không khí. “Hiện nay có nhiều cách đánh giá ô nhiễm không khí, chúng tôi có đánh giá phù hợp với Việt Nam đó là đánh giá dựa vào cách tiếp cận giảm phúc lợi xã hội, nhờ đó đánh giá được thiệt hại ô nhiễm không khí ở Việt Nam”, ông Trường nói.
Các nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính năm 2018, thiệt hại ô nhiễm không khí liên quan đến sức khoẻ người dân ở mức từ 10,8 – 13,2 tỷ USD (khoảng từ 240.000 tỷ đồng trở lên), khoảng 4,54-5,65% GDP.
Từ góc nhìn kinh tế, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam chủ yếu do sản xuất và kinh doanh như: sản xuất xi măng, nhiệt điện, hoá chất, khai thác mỏ, khoáng sản... Ngoài ra, sự phát triển của các đô thị cũng thải ra lượng khí thải lớn ra môi trường.
Theo Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thời gian qua, số lượng xe ô tô và xe máy tăng nhanh. Thống kê cho thấy số lượng xe máy trên cả nước hiện đạt 46 triệu chiếc, đứng thứ 4 sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia về số xe máy. Đáng lưu ý, ở các thành phố lớn, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông có thể tính theo cấp số nhân. Chẳng hạn, Hà Nội có khoảng 4,5 triệu xe máy, 0,7 triệu ô tô; Tp.HCM có khoảng 7 triệu xe máy và 7 triệu ô tô...
Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông công cộng thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Việc sử dụng nguyên liệu sạch với xe buýt, taxi vẫn còn rất ít.
![]() |
Các thành phố lớn đang trong những ngày ô nhiễm nhất trong năm |
Cần có tầm nhìn dài hạn
Các chuyên gia cho rằng ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý. Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng các giải pháp, lựa chọn các ưu tiên và thực hiện có lộ trình chặt chẽ.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Trường phân tích: nền kinh tế Việt Nam có cấu trúc phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nên dễ gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, để thay đổi được cấu trúc nền kinh tế cần thời gian dài.
Chuyên gia này cho rằng trước mắt cần có tầm nhìn dài hạn, chuyển đổi sang nhân tố tăng trưởng có tính chất sạch hơn như khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. “Tôi nghĩ từ cách thức tiếp cận đó có những chính sách và mục tiêu cụ thể giảm thiểu ô nhiễm không khí”, ông Trường nói.
Theo kinh nghiệm các quốc gia tiên tiến, cần đầu tư nguồn lực, tài chính, nhân lực, vật lực có cơ chế để huy động toàn bộ xã hội tham gia đóng góp vào bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay ngân sách nhà nước chi 1% bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, con số này là rất ít so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Chẳng hạn, Trung Quốc chi 2% ngân sách và từ năm 2010 đến nay đã chi 15 tỷ USD cho vấn đề bảo vệ môi trường; Thái Lan chi hơn 2% cho bảo vệ môi trường...
Nêu giải pháp, ông Trường cho rằng nguồn ngân sách của Việt Nam còn hạn hẹp, do đó cần tái cấu trúc nguồn thu cho bảo vệ môi trường, đặc biệt là tăng cường công cụ tài chính như: trái phiếu môi trường, cơ chế hợp tác công - tư để huy động khu vực tư nhân, cộng đồng bảo vệ môi trường; đầu tư vào những hệ thống trọng điểm như: giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường và đặc biệt tăng cường vai trò giám sát của xã hội để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và sử dụng tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
“Chúng ta đã có chiến lược tăng trưởng xanh, mấu chốt là tái cấu trúc ngành nghề, khu vực xã hội theo hướng xanh hoá hơn. Với những khoản tiền thuế thu được cần phải thay đổi cơ cấu chi tiêu, để nâng mức đầu tư cho những khu vực xanh nhằm hoàn thiện cấu trúc của nền kinh tế”, ông Trường cho hay.
Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tăng cường kiểm soát nguồn thải, thậm chí có thể thay đổi cách thức xử phạt theo ngày để tăng tính răn đe. Đồng thời sử dụng mạng lưới năng lượng sạch trong giao thông công cộng, quy hoạch mạng lưới đô thị, kiểm soát khí thải xe máy, nâng cao chất lượng nhiên liệu và áp dụng các tiêu chuẩn EURO 4,5...
Thanh Hoa
Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ở mức báo động. Ngoài dẫn đến mối nguy hại về sức khỏe, việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chẳng hạn, hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia sẽ tác động đến môi trường đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để cải thiện môi trường, việc tăng cường các quy định của Chính phủ và đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện môi trường là vô cùng cấp thiết. PGS TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định đặc thù, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm không khí vẫn còn bất cập và chưa được giải quyết triệt để. PGS TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường Chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế - môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ô nhiễm không khí; và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. |