Tại Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh toàn cầu hóa tổ chức ngày 30/11, Ts. Nguyễn Đại Lai – chuyên gia tài chính, ngân hàng, đánh giá cổ phần hóa (CPH) DNNN là vấn đề “phá băng” mở màn cốt lõi nhất, nặng nề nhất trong tiến trình đi tới tái cấu trúc nền kinh tế mà chúng ta đã, đang làm nhiều năm qua nhưng vẫn mang tính nửa vời và chậm chạp như hiện nay.
![]() |
CPH DNNN tức là nhanh chóng đạt đến mục tiêu thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp hậu CPH (Ảnh: Internet) |
Về chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần, số lượng DNNN đã giảm từ 12.000 xuống còn khoảng 600 DN, nhưng chủ yếu là các DN lớn, độc quyền nhà nước, Nhà nước vẫn giữ khoảng 90% vốn điều lệ.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (trong đó có 21 DN thuộc danh mục năm 2017 chuyển sang). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới CPH được 12 DN, khả năng không đạt được theo kế hoạch là đã rõ. Tương tự, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thoái vốn theo kế hoạch.
Hiệu quả sản xuất của DNNN còn thấp so với nguồn lực nắm giữ. Năm 2016, nợ phải trả tăng 17%, 13% tập đoàn, tổng công ty không có lãi, nhiều dự án thua lỗ kéo dài, điển hình như 12 đại dự án ngành công thương đang phải xử lý, tháo gỡ.
Đối với những DNNN đã CPH trước đây cơ bản chỉ là những DNNN thuộc cấp tỉnh, thành phố hay cấp bộ, ngành và là những DN loại nhỏ, vừa hoặc các cửa hàng mậu dịch quốc doanh bán hàng phân phối đã hết thời tồn tại...Việc CPH ở những DN này chủ yếu là phương pháp chia cổ phần cho người lao động và Nhà nước theo thời gian công tác. CPH đơn giản là “biến hóa” DNNN thành công ty cổ phần để Nhà nước cùng người lao động thu “tiền” về bằng cổ phần và cùng tồn tại.
Những DN nào không bị xóa thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu CPH - Không ai mất chức, mất việc và/hoặc nếu rời DN trong độ tuổi lao động thì được Nhà nước “trả một cục” để đi tìm việc khác. Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước...
Theo ông Lai, hậu CPH hàng loạt như vậy nên nền kinh tế nước ta cho đến nay vẫn cơ bản chỉ là một nền kinh tế thô, lạc hậu, tư duy xin – cho vẫn duy trì. Đặc biệt, sau CPH hàng loạt đó, nền kinh tế Việt Nam lại “đổi mới” thành một nền kinh tế bị chia cắt ra làm 3 nền kinh tế có hàng rào, vị thế, cơ chế vận hành và cả thị trường tiếp cận tư liệu sản xuất ở đầu vào độc lập nhau, gồm: Nền kinh tế Nhà nước, nền kinh tế tư nhân và nền kinh tế FDI. Ba nền kinh tế này được ví von theo thứ tự như “con đẻ”, “con nuôi” và “con ngoài giá thú”, có thân phận, luật lệ và thị trường riêng, nhưng dựa dẫm vào nhau, hình thành nhiều nhóm lợi ích/hoặc các hiện tượng “chân trong chân ngoài” tạo ra những luồng lạch, những mạch ngầm để hút nội lực lẫn nhau và kìm hãm sự phát triển tổng thể của nền kinh tế.
Ông Lai đặt vấn đề: "Sử dụng tiền của Nhà nước sau CPH như thế nào? Có tránh được vết xe đổ đã từng vấp không - Khi CPH rồi mà tiền Nhà nước vẫn không thoái được, vẫn luẩn quẩn trong DN hậu CPH – Vẫn cảnh “CEO” xưa, việc cũ và công nghệ lạc hậu?
Nếu không bán hết và/hoặc Nhà nước tiếp tục nắm giữ một tỷ lệ cổ phần tại DN hậu CPH, cơ chế sử dụng người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN đó ra sao? Siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN mới thành lập sẽ đóng vai trò cụ thể gì tại đây?
Trước thực trạng này, ông Lai cho rằng Nhà nước cần có cơ chế để khẳng định thái độ dứt khoát rằng: CPH DNNN tức là nhanh chóng đạt đến mục tiêu thoái vốn Nhà nước khỏi DN hậu CPH bằng cách Nhà nước bán DNNN cho các cổ đông, thu tiền về, trả cho các đối tượng đã làm nên tổng giá trị DNNN cho đến ngày bán. Trong đó, phần của Nhà nước sẽ thu về nhập vào ngân sách để chi theo Luật Ngân sách Nhà nước.
"Siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN mới thành lập cần phải công khai minh bạch về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban này trong việc quản lý, giám sát và theo dõi việc sử dụng của bên sử dụng và việc thu của bên ngành thuế từ các nguồn vốn của Nhà nước còn nằm tại các DN hậu CPH và là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy tốc độ, hiệu quả của quá trình thoái vốn Nhà nước ra khỏi các DN đã CPH", ông Lai nêu quan điểm.
Nhật Linh